Dấu hiệu cảnh báo nguy cơ vô sinh ở trẻ gái lúc dậy thì
Trẻ con đã bị buồng trứng đa nang
BSCK II Diêm Thị Thanh Thuỷ - Trưởng khoa Tự nguyện, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết gần đây bác sĩ tiếp nhận rất nhiều bé gái ở độ tuổi dậy thì bị buồng trứng đa nang.
Đây là cảnh báo quan trọng vì buồng trứng đa nang là nguyên nhân gây vô sinh ở người trưởng thành. Trước đây buồng trứng đa nang ở trẻ hầu như không có nhưng nhưng hiện tại thì trẻ dậy thì đã mắc hội chứng này.
Theo bác sĩ Thuỷ, buồng trứng đa nang là hiện tượng buồng trứng có rất nhiều nang nhỏ, các nang này không lớn, trưởng thành nhưng lại không vỡ nên trẻ không có kinh nguyệt. Khi siêu âm bác sĩ thấy buồng trứng như tổ ong.
Đây là hội chứng bệnh toàn thân, chuyển hoá toàn cơ thể từ kháng insulin gây tiểu đường, rối loạn chuyển hoá, béo phì, biểu hiện toàn thân không riêng buồng trứng.
Các dấu hiệu trẻ bị buồng trứng đa nang:
- Trẻ mất kinh do nang trứng không lớn, không rụng được nên trẻ không có kinh.
- Mặt nổi nhiều mụn, da sần sùi. Nguyên nhân này do mất kinh buồng trứng còn tăng tiết Androgen - là nội tiết tố nam nên trẻ mặt mọc nhiều mụn. Nhiều cha mẹ nghĩ rằng đó là biểu hiện bình thường ở tuổi dậy thì nhưng thực chất đây là biểu hiện của buồng trứng đa nang.
- Trẻ đa nang buồng trứng còn béo phì do tăng tiết Androgen, có các mảng đen trên da có thể đen nhiều hoặc ngấn đen ở gáy. Có những đứa trẻ béo phì da còn nứt, rạn.
- Tóc của trẻ khô, dễ rụng, mỏng hơn, rậm lông. Do nội tiết tố nam phát triển nhiều quá nên trẻ nữ rất rậm lông, ria mép.
- Trẻ còn biểu hiện về tâm lý như cáu gắt, các biểu hiện bất thường, trầm cảm, học hành cũng không tập trung. Do Androgen và estrogen tiết nhiều làm rối loạn tâm sinh lý.
Vì vậy, nếu trẻ ở tuổi dậy thì thấy con có các triệu chứng trên cha mẹ nên cho con đi khám vì con có thể bị hội chứng buồng trứng đa nang.
3 yếu tố gây buồng trứng đa nang
Nguyên nhân của buồng trứng đa nang, bác sĩ Thuỷ cho rằng hiện có nhiều yếu tố khiến trẻ bị buồng trứng đa nang.
Thứ nhất do ăn uống: Trẻ ăn quá nhiều đường. BS Thuỷ lý giải khi ăn quá nhiều đường, đường chuyển hoá nhiều và cơ thể phải tiết kháng insulin quá nhiều làm buồng trứng không hoạt động, không rụng trứng và tăng Androgen. Trẻ ăn nhiều ngọt còn làm béo phì tạo nên vòng luẩn quẩn không rụng trứng được nên càng làm nặng tình trạng buồng trứng đa nang.
Thứ hai, do yếu tố gia đình: Gia đình có mẹ, chị em gái bị buồng trứng đa nang thì các con cũng dễ bị. Bác sĩ Thuỷ cho biết vấn đề này không phải do gen mà do lối sống của các gia đình giống nhau. Mẹ lười vận động thì con cũng lười vận động.
Thứ ba, do thiếu vitamin D, bác sĩ Thuỷ cho biết Việt Nam là 'vương quốc' của nắng nhưng người Việt lại thiếu vitamin D. Người Châu Âu thường sang Châu Á tắm nắng nhưng người Việt lại sợ nắng.
Bác sĩ Thuỷ làm xét nghiệm cho nhiều trẻ bị buồng trứng đa nang có lượng vitamin D3 “giảm kinh khủng”. Vitamin D3 không chỉ ảnh hưởng tới quá trình tổng hợp canxi tốt cho xương, nó còn ảnh hưởng tới qúa trình sinh sản, rụng trứng, tạo phôi. Khi thiếu vitamin D các loại nội tiết tố không hoạt hoá.
Bác sĩ Thuỷ nhấn mạnh cha mẹ cần lưu ý khi thấy con đã dậy thì, mặt có trứng cá, các cơ quan sinh dục phụ phát triển nhưng một năm không có kinh nguyệt cần cho con đi khám buồng trứng đa nang.
Với trẻ đã có kinh nguyệt sau 2 năm kinh nguyệt phải đều. Nếu sau 2 năm buồng trứng không thuần thục, trẻ 4 tháng mất kinh… cần cho con đi khám.
Buồng trứng đa nang cần can thiệp sớm vì nếu để buồng trứng đa nang kéo dài sẽ ảnh hưởng tới trẻ nhất là chức năng sinh sản, thừa cân béo phì và tăng nguy cơ cao bị ung thư trong tương lai.
Trẻ bị buồng trứng đa nang khi trưởng thành sinh con cũng tăng nguy cơ đái tháo đường, tăng huyết áp thậm chí bà mẹ bị buồng trứng đa nang sinh con có nguy cơ mắc tâm thần cao hơn bà mẹ bình thường.
K.Chi