Đấu giá phát triển dự án điện gió từ năm 2021?
Bộ Công Thương vừa ban hành Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-BCT quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió.
Theo đó, các quy định tại văn bản này áp dụng cho các đối tượng là Chủ đầu tư dự án điện gió; Đơn vị quản lý và vận hành các công trình điện gió; Bên mua điện; Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan…
Cụ thể, việc quy hoạch và danh mục phát triển các dự án điện gió phải được được thực hiện theo Quy hoạch phát triển điện lực trong đó xác định tiềm năng và khu vực phát triển điện gió cho từng địa bàn. Các dự án điện gió chưa có trong quy hoạch phải được thực hiện thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực.
Cũng theo quy định, khi phát triển các dự án điện gió được phê duyệt danh mục trong quy hoạch phát triển điện gió tỉnh giai đoạn 2011 – 2020, UBND tỉnh phải cập nhật quy hoạch đấu nối dự án điện gió vào hệ thống điện để đảm bảo truyền tải công suất dự án và khả năng hấp thụ hệ thống điện khu vực dự án. Trường hợp phương án đấu nối dự án thay đổi, UBND tỉnh báo cáo Bộ Công Thương để thẩm định, phê duyệt hoặc trình phê duyệt phương án đấu nối điều chỉnh của dự án điện gió theo thẩm quyền.
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện những quy định của Thông tư. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan xem xét và đề xuất Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung.
Bên cạnh đó, Cục cũng sẽ là đơn vị tổ chức đánh giá tiềm năng điện gió lý thuyết, tiềm năng điện gió kỹ thuật và tiềm năng điện gió kinh tế trên phạm vi cả nước, xác định phân bố tiềm năng theo vùng để đưa vào cơ sở dữ liệu phục vụ xây dựng nội dung về quy hoạch phát triển các dự án điện gió trong quy hoạch phát triển điện lực. Chủ trì nghiên cứu và đề xuất cơ chế đấu giá phát triển điện gió áp dụng từ ngày 01 tháng 11năm 2021 báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Cục Công nghiệp sẽ chủ trì nghiên cứu và đề xuất quy định về cơ chế khuyến khích phát triển sản xuất thiết bị công trình điện gió trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong dự án điện gió báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có tổng công suất gió ước tính khoảng 513.360 MW, lớn nhất khu vực Đông Nam Á, cao gấp 6 lần công suất dự kiến của ngành điện vào năm 2020 và lớn hơn nhiều so với tiềm năng các nước trong khu vực như Thái Lan (152.392 MW), Lào (182.252 MW) và Campuchia (26.000 MW).Điện gió trong những năm tới sẽ là giải pháp năng lượng sạch cho Việt Nam.
Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, với tiềm năng của mình, Việt Nam có thể phát triển hàng trăm nghìn MW điện gió cả trên đất liền và ngoài khơi.Trong đó, tiềm năng điện gió ngoài khơi chiếm từ 50 – 60%.
Thế nhưng tới thời điểm hiện tại, ngoài các dự án điện gió trên đất liền, chúng ta mới chỉ có duy nhất 1 dự án điện gió ngoài khơi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khảo sát là dự án điện gió Thanglong Wind - khu vực ngoài khơi mũi Kê Gà, tỉnh Bình Thuận (dự án này có công suất 3.400 MW, với số vốn lên đến 11,9 tỷ USD).
Cả nước mới chỉ đưa vào một số dự án điện gió với tổng công suất hơn 300 MW, chậm so với mức 800 MW vào năm 2020 được nêu trong Quy hoạch điện VII (hiệu chỉnh).
Theo ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), điện gió ngoài khơi là nguồn năng lượng sạch rất lớn cần nghiên cứu, đánh giá, đề xuất lộ trình khai thác hợp lý. Tuy nhiên, để có thể chuyển được từ tiềm năng kỹ thuật sang tiềm năng thương mại, cần nhìn nhận được các khó khăn vướng mắc để tìm giải pháp vượt qua về chính sách khuyến khích, kỹ thuật phức tạp, tác động môi trường...
Nhiều chuyên gia cho rằng, để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này, cần có thêm chính sách để giải quyết các vấn đề liên quan đến quy hoạch, đấu nối, truyền tải điện...