Dạo vườn thượng uyển, được "Ngự y" khám... ở Fesival Huế
Trong những ngày diễn ra Festival Huế, Thái y đường triều Nguyễn là địa chỉ mới lạ thu hút đông đảo du khách tham quan. Không gian Thái y đường được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp với Hội Đông Y Thừa Thiên - Huế nghiên cứu và phục dựng gần như nguyên bản tại khuôn viên Phủ Nội Vụ - Đại Nội Huế.
Ngoài việc được các “Thái y”, “Ngự y” là những thầy thuốc đông y giỏi trực tiếp thăm mạch, bấm huyệt, kê đơn bốc thuốc theo trình tự khám chữa bệnh cho vua quan triều Nguyễn năm xưa, du khách tham quan còn có cơ hội chiêm ngắm một số hình ảnh thăm khám, bản tấu của Thái y viện năm Minh Mạng thứ 10 (1830), bản tấu Thị Vệ xứ, Thái y viện năm Tự Đức thứ 2 (1849) và một số sản phẩm liên quan đến y học cổ truyền vùng đất cố đô Huế…
Không gian Thái y đường lần đầu được tái hiện tại Festival Huế 2014 tuy còn khiêm tốn nhưng đây là một sự khởi động cho việc phục hồi Thái y viện trong tương lai với quy mô lớn hơn rất nhiều lần. Qua đó, góp phần chấn hưng những giá trị truyền thống về y học cổ truyền của dân tộc; tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch đến đây tham quan nghỉ dưỡng.
Du khách được bắt mạch khám bệnh khi tham quan Thái y đường tại Đại nội Huế. |
Dưới thời Nguyễn, kinh đô Huế từng có hàng chục khu vườn cung đình với nhiều dạng thức. Vườn Cơ hạ là một trong 5 khu vườn ngự uyển nằm ngay bên trong Hoàng thành Huế được xây dựng từ năm 1837, thời vua Minh Mạng, nâng cấp, bổ sung và trùng tu nhiều lần dưới thời các vua Thiệu Trị, Tự Đức.
Đầu thế kỷ 20, do không có điều kiện chăm sóc, triều Nguyễn cho triệt giải các công trình kiến trúc chính và vườn Cơ hạ dần trôi vào quên lãng. Hiện khu vườn này đã được đầu tư tôn tạo, đón khách như một điểm đến hấp dẫn trong Đại nội Huế. Đặc biệt, trong những ngày diễn ra Festival Huế 2014, một cuộc triển lãm cây kiểng ba miền diễn ra tại vườn Cơ hạ với 600 tác phẩm bonsai, non bộ, tiểu cảnh của 117 nghệ nhân khắp cả nước. Đây không chỉ là cuộc so tài giữa các tác phẩm bonsai mà còn tạo cơ hội cho các nghệ nhân khắp cả nước trao đổi về nghệ thuật cây cảnh. Một không gian mới thay cho không gian hoang phế um tùm cỏ cây từng tồn tại từ lâu nay trong Đại nội Huế. Ngoài ra, 3 ngôi nhà rường Huế được dựng lên, tạo điểm nhấn gợi lên một hình ảnh vườn Ngự ngày xưa với rất nhiều công trình kiến trúc được xây dựng.