Đào tạo nghề phải gắn với tạo việc làm
Theo thống kê, Lập Thạch có 72.453 người trong độ tuổi LĐ (chiếm 56,8% dân số) nhưng số LĐ qua đào tạo chỉ chiếm 27,1%. Do đó, công tác giải quyết việc làm không mấy thuận lợi; việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; chất lượng LĐ chưa cao, tình trạng LĐ có việc làm nhưng thu nhập thấp diễn ra phổ biến.
Trước thực tế đó, Lập Thạch đã triển khai nhiều biện pháp đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho người LĐ, gắn đào tạo nghề với định hướng phát triển kinh tế của địa phương, theo nhu cầu học nghề của người LĐ và yêu cầu của thị trường. Theo đó, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm; cung cấp thông tin về cơ sở đào tạo nghề, các nghề đào tạo, thông tin về yêu cầu thị trường LĐ, địa chỉ sử dụng LĐ, điều kiện tuyển dụng và mức thu nhập. Hàng năm, huyện tiến hành khảo sát, rà soát các đối tượng có nhu cầu học nghề, tổ chức hội thảo chuyên đề nhằm tuyên truyền, tư vấn cho LĐ đi học nghề tại các trường cao đẳng, trung cấp nghề hoặc bổ túc văn hóa nghề.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trọng Tấn, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Lập Thạch cho biết: Được giao nhiệm vụ đào tạo nghề cho LĐ trên địa bàn, Trung tâm tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị máy móc, mở thêm một số nghề đào tạo mới như tin học, chăn nuôi thú y, mây tre đan... Đây là những ngành nghề phù hợp với trình độ và nhu cầu của nhiều LĐ ở nông thôn. Thông qua những lớp học này, người LĐ đã mạnh dạn áp dụng vào thực tế sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Một số mô hình đã phát huy hiệu quả thực tế trên đồng đất Lập Thạch như trồng thanh long ruột đỏ, nuôi bò...
Để công tác dạy nghề được triển khai hiệu quả, hàng năm, Trung tâm thường xuyên cử cán bộ, giáo viên xuống các xã tuyên truyền chính sách hỗ trợ học nghề, những lợi ích mang lại cho người LĐ qua đào tạo nghề, khảo sát nắm tình hình để có kế hoạch đào tạo phù hợp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu sản xuất. Với cách làm đó, mỗi năm Trung tâm đào tạo cho địa phương từ 800 - 1000 LĐ.
“Để giúp người LĐ học nghề có việc làm ngay sau khi ra trường, Trung tâm tích cực phối hợp với các DN ký hợp đồng liên kết đào tạo theo địa chỉ, tổ chức để các công ty thi tuyển ký hợp đồng với LĐ đã qua đào tạo… Thống kê sơ bộ cho thấy, trên 80% số học viên sau khi tốt nghiệp tại Trung tâm đều tìm được việc làm, có thu nhập khá”, ông Tấn nói.