Đan Phượng xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với phát triển đô thị
Đây là chỉ đạo của Bí thư Thành uỷ TP Hà Nội Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với huyện Đan Phượng vào sáng 5/5.
Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc |
Nội dung buổi làm việc tập trung vào kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2019, 3 tháng đầu năm 2020 và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới; công tác phòng, chống dịch Covid-19; công tác chỉ đạo đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XXIV Đảng bộ huyện…
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, xác định ý nghĩa đặc biệt của năm 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành nghị quyết về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm, với chủ đề: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị; huy động cao độ các nguồn lực đầu tư hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao; triển khai Đề án xây dựng huyện thành quận; tổ chức thành công đại hội đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 và đề ra 2 khâu đột phá là: Nâng cao ý thức, trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác GPMB, quản lý đất đai, trật tự xây dựng.
Bám sát các chỉ đạo của Thành phố và những định hướng của huyện, ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, tập trung cao độ, huy động cả hệ thống chính trị và Nhân dân tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 gắn với triển khai toàn diện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là triển khai sản xuất gieo trồng vụ Xuân gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Huyện cũng tập trung triển khai các dự án lớn, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 8 công trình; hoàn thành GPMB 15 dự án với diện tích trên 132 nghìn m2, số tiền bồi thường, hỗ trợ gần 200 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Đan Phượng đã có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và phấn đấu trong năm nay toàn bộ 15/15 xã sẽ hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao. Ngoài ra, trong quý I/2020, thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt 134,347 tỷ đồng, bằng 24,8% dự toán Thành phố giao.
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá, Đan Phượng là địa phương có nhiều điểm sáng của Thành phố; là nơi có truyền thống cách mạng, quê hương của phong trào “Ba đảm đang”; huyện duy nhất của Thành phố có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; một trong những huyện chuyển dịch cơ cấu kinh tế tích cực nhất, đến nay, nông nghiệp còn 5,5%, trong khi dịch vụ rất phát triển...
Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, yêu cầu đặt ra đến năm 2025 phát triển thành quận, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy nêu lên những thách thức, khó khăn đối với huyện, nhất là về nhân lực, cơ sở hạ tầng.
Theo đó, huyện cần phải quan tâm hơn đến vấn đề quản lý đô thị; nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ từ xã đến huyện; tập trung giải quyết những tồn tại, nhất là trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng để không tiềm ẩn phức tạp về an ninh nông thôn. Ngoài ra, huyện cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề quy hoạch, quản lý tài nguyên; chuyển dịch sản xuất trong nông nghiệp...
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của thành viên đoàn công tác và lãnh đạo huyện Đan Phượng, kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đánh giá: Đan Phượng là huyện ven đô, phía Tây của Thủ đô, là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, lịch sử văn hóa, 2 lần được đón nhận danh hiệu anh hùng...
Năm 2019, huyện đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, trong đó, có nhiều chỉ tiêu đạt cao như: tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ, công nghiệp - xây dựng. Đặc biệt, công tác xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo của huyện Đan Phượng không chỉ là điểm sáng của Thủ đô, mà còn của cả nước.
Huyện cũng quan tâm phát triển giáo dục, y tế, dẫn đầu Thành phố về tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia; là địa phương tiên phong trong phát triển y tế xã và triển khai mô hình bác sỹ gia đình.
Nhiệm vụ thời gian tới, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh huyện cần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, tái đàn, nhất là đàn lợn để phấn đấu tăng trưởng ngành nông nghiệp trên 4% trong năm nay. Cùng với đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đầu tư công và đầu tư tư nhân, tạo điều kiện để khu vực tư nhân triển khai các dự án, công trình, qua đó, phát sinh nguồn thu. Chú trọng mở thêm các điểm công nghiệp mới và động viên, khuyến khích các hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp. Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu huyện Đan Phượng định vị lại các ngành kinh tế, xác định đâu là chủ lực, đâu là mũi nhọn. Có kế hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị; tổ chức lại sản xuất, thành lập các hợp tác xã kiểu mới...
N.Huyền