Đan Phượng và cuộc đua về đích sớm
Chiều 28/10, huyện Đan Phượng, tổ chức lễ công bố và đón nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015. Đến thời điểm này, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Với ý chí, quyết tâm cao suốt toàn chặng đua không ngơi nghỉ một phút nào, Đan Phượng đã thực hiệc song song chỉ đạo xã Song Phượng xây dựng thí điểm mô hình NTM của thành phố, huyện triển khai đồng loạt đến 14 xã còn lại với phương châm vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.
Xác định xây dựng hạ tầng là điều kiện quan trọng, là tiền đề cho phát triển, vì vậy lãnh đạo huyện Đan Phượng coi hạ tầng là động lực xây dựng NTM. Để đẩy mạnh kiến thiết hạ tầng nông thôn, huyện Đan Phượng đã tập trung huy động các nguồn lực của doanh nghiệp và nhân dân. Trong đó, nhằm tăng nguồn lực xây dựng NTM, huyện đã đẩy mạnh công tác đấu giá đất, quy hoạch, lựa chọn những địa điểm thuận lợi, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phân lô và tổ chức đấu giá công khai, dân chủ.
Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, sau hơn 4 năm phát động thi đua xây dựng huyện NTM, toàn huyện đã xây dựng được 22 km đường trục thôn, 19 km rãnh thoát nước theo đường; 136,7 km đường ngõ, xóm; 80,6 km đường trục chính nội đồng với tổng vốn đầu tư 317,4 tỷ đồng; tiết kiệm được 234,5 tỷ đồng so với dự toán ban đầu; nhân dân đóng góp 413.722 ngày công và hiến 2.522,2 m2 đất thổ cư và 18,5 m2 đất nông nghiệp; có 31 doanh nghiệp ủng hộ nhân công, máy là 25,554 triệu đồng, doanh nghiệp ủng hộ nhiều nhất là 2,1 tỷ đồng. Trong 04 năm huyện đã xây dựng được 5,6 km kênh mương.
Với khâu đột phá là dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đa số các xã trong huyện đã chuyển sang trồng hoa, cây ăn quả, hình thành các vùng chuyên canh mang lại giá trị kinh tế cao. Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được 951,69 ha (cây ăn quả; rau an toàn; hoa; cây cảnh). Huyện chỉ đạo các xã lập dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng tập trung từ 5 ha trở lên. Trong đó, UBND huyện hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, đã hỗ trợ xây dựng hạ tầng cho 3 dự án rau Phương Đình, cam canh Thượng Mỗ, hoa Hạ Mỗ với tổng kinh phí đầu tư 5.223,9 triệu đồng. Đã có nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao cho thu nhập hàng tỷ đồng trên/ha/năm như sản xuất hoa lan, hoa ly...
Trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện tập trung chỉ đạo chuyển dịch chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại xa khu dân cư; duy trì chăn nuôi nông hộ theo hình thức chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao; phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Sau hơn 4 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, kinh tế - xã hội huyện Đan Phượng phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 10%/năm. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Đến hết năm 2014 , 13/15 xã đạt 19 hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người đạt 28,8 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,2%. Điểm nổi bật trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại huyện Đan Phượng là đã vận dụng đúng đắn và sáng tạo trong huy động sức dân với phương châm “lấy sức dân để lo cho dân”, “dân làm có sự hỗ trợ của Nhà nước”.
Về văn hóa - xã hội, Đan Phượng là huyện đầu tiên của Thủ đô có 100% trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, 100% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang luôn là tấm gương được nhiều địa phương học tập. Huyện có tới 45 làng đạt danh hiệu văn hóa, 90% hộ gia đình văn hóa.