Dân đầu nguồn đón lũ
Với họ, đây là mùa thu nhập chính trong năm dù con nước lũ hiện nay không còn hào phóng như xưa.
Tự bao đời nay, dân câu lưới ở huyện đầu nguồn An Phú đã quen với việc sống chung với lũ. Với họ, nước lũ là “người bạn” thâm giao và cũng là nguồn sống. Mặc cho “người bạn” ấy giờ đây đã “bẵn tính” và không còn hào phóng nhưng dân theo nghề hạ bạc vẫn cứ chuẩn bị mọi thứ chờ mùa nước đổ. Ông Trần Văn Tuấn, người dân xã Vĩnh Hội Đông (An Phú), chia sẻ: “Tôi theo nghề cá từ lúc còn là thanh niên cho đến bây giờ đã lên hàng ông ngoại mà chưa bỏ được. Những anh em trạc tuổi có người đã “nghỉ hưu”, riêng tôi vẫn cứ lặn ngụp hoài với con nước lũ. Mà lạ lắm, hễ thấy nước dưới sông đổi màu là mình lại táy máy tay chân. Nghề đặt lọp cua vừa là nguồn sống mà cũng là thói quen tôi không bỏ được”.
![]() |
Dân câu lưới đầu nguồn sống dựa vào nguồn thủy sản mùa lũ. (Ảnh minh họa) |
Năm nào ông Tuấn cũng mang 600 chiếc lọp cua đến những cánh đồng quen thuộc. Từ kênh 95, kênh Nhà Ngói cho đến những cánh đồng biên giới ở Vĩnh Nguơn (TP. Châu Đốc) hay tận miệt Tân Hồng, Hồng Ngự (Đồng Tháp). Có năm ông Tuấn chỉ ở một nơi suốt mùa lũ nhưng cũng lắm lúc phải đổi chỗ liên tục để tìm luồng cua chạy. “Hiện nay, nước còn lé đé bờ kênh nên tôi chưa đi đặt lọp. Tuy nhiên, bà con ở đây đã bắt đầu chuẩn bị từ hồi tháng 3, tháng 4 âm lịch. Ai cũng lôi mấy chiếc lọp ra kiểm tra và chất đống sẵn, đợi khi nào có nước thì lên đường mưu sinh. Ngặt nỗi đã cuối tháng 6 âm lịch mà ngoài đồng còn khô rang. Tôi không biết mùa nước năm nay có được như những năm trước hay không”.
![]() |
Mùa lũ là mùa mưu sinh của dân câu lưới. (Ảnh minh họa) |
Là “đồng nghiệp” với ông Tuấn, anh Nguyễn Văn Muôn, người dân ngụ cùng xã, cũng tất bật chuẩn bị cho mùa mưu sinh chính trong năm. Anh Muôn đã gắn bó với nghề đặt lọp cá lóc hơn 10 năm. Mỗi mùa nước, anh lặn lội sang các cánh đồng nước bạn tại tỉnh Tàkeo (Campuchia) xin đóng thuế cho lực lượng chức năng bên đó để khai thác thủy sản. “Năm nào cá “chạy” thì có miếng ăn, ngược lại phải chịu lỗ vốn. Bởi, đây là “nghề bà cậu” nên không ai lường trước được. Đời sống còn khó khăn, không bám vào cái lọp cá lóc thì chẳng biết lấy gì lo cho gia đình. Chỉ mong năm nay kiếm được khá hơn!” - anh Muôn tâm sự.
Nghiệp “trầm thủy” vốn đã gian nan nhưng anh Trần Văn Quạnh, người dân xã Phước Hưng (An Phú) lại chọn cho mình công việc còn vất vả hơn. Nhiều năm nay, anh cứ miệt mài với cái nghề bắt ốc đem về cân cho một số vựa ở chợ Khánh An. “Hồi mới theo nghề, gia đình tôi cũng dễ sống. Khi đó, mấy cánh đồng biên giới ốc còn nhiều, chỉ đi một buổi là đủ nuôi cả nhà. Mấy năm nay ốc hiếm dần nên thu nhập cũng theo đó mà giảm xuống” - anh Quạnh thiệt tình.
Dù biết là mùa lũ không còn hào phóng nhưng anh Quạnh vẫn lôi chiếc xuồng của mình ra trét dầu chai đợi nước “nhóng” lên cao. Hiện nay, anh cũng kiếm được khoảng 5 - 7kg ốc mỗi ngày và sản lượng sẽ còn tăng lên theo con nước lũ. Tuy nhiên, anh cũng khá lo lắng vì nước không “nhảy lên bờ” như ông bà xưa nói, dù đã gần đến tháng 7 âm lịch. “Bây giờ chỉ là con nước đầu mùa nên chưa thể nói chính xác được. Hy vọng, năm nay tôi sẽ có thu nhập khá trong mùa nước tới để gia đình thoải mái hơn. Dân theo “nghề bà cậu” chỉ mong có mấy tháng này trong năm nên ai cũng sẵn lòng đón mùa lũ dù con cá, con cua hay con ốc không nhiều như trước” - anh Quạnh trải lòng.
Dòng nước ngầu đỏ phù sa của sông Cửu Long vẫn mang đến niềm hy vọng cho những ai trót gắn bó với nghề câu lưới ở miệt đầu nguồn. Mặc cho “người bạn” thâm giao đã “không chừng, không đổi” nhưng ông Tuấn, anh Muôn, anh Quạnh vẫn cứ chuẩn bị ngư cụ để lao vào cuộc mưu sinh trước mắt.
Theo báo An Giang Online