Đám cưới ‘không nhận phong bì’ của đôi trẻ được ca ngợi
Cặp vợ chồng trẻ ở Trung Quốc đã thiết kế lối đi riêng “không nhận phong bì” cho một số khách mời tham dự đám cưới để giúp những người bạn bớt được nỗi lo tiền mừng.
Theo Qianjiang Evening News, chú rể họ Chen và cô dâu họ Shi sinh sống ở thành phố Hàng Châu thuộc tỉnh Chiết Giang đã tổ chức đám cưới vào tuần trước. Cặp đôi được cư dân mạng ca ngợi về sáng kiến cấp tiến tránh đi vào lối mòn của phong tục cưới xin truyền thống tốn kém, lãng phí gây ra gánh nặng tài chính cho nhiều người.
Trước đám cưới, đôi trẻ đã gửi thiệp mời kèm theo “thẻ thông hành” đặc biệt cho khoảng 20 bạn bè và người thân đang trong độ tuổi kết hôn.
Trên “thẻ thông hành” có viết, “Với tấm thẻ này, các bạn không cần để phong bì tiền mừng”, và “Tình bạn là vô giá. Chúng tôi đã nhận được lời chúc phúc từ các bạn”.
Do đó, với những người đặc biệt nhận được “thẻ thông hành”, họ chỉ cần cho tấm thẻ này vào phong bì thay cho tiền mừng khi tới dự đám cưới.
Cách làm sáng tạo của cặp đôi mang lại lợi ích cho cả đôi bên, bởi sau này đôi trẻ có thể để “thẻ thông hành” vào phong bì thay vì tiền mừng khi đi đám cưới của những người bạn và họ hàng đặc biệt.
“Thay vì tạo gánh nặng cho nhau, vợ tôi đã đưa ra ý tưởng đôi bên cùng không phải để tiền mừng”, anh Chen chia sẻ.
Theo phong tục truyền thống tại Trung Quốc, những quan khách tới dự đám cưới, đám ma, tiệc sinh nhật hay các sự kiện quan trọng khác thường trao phong bì đỏ chứa tiền bên trong cho gia chủ.
Số tiền được cho vào phong bì có giá từ 50 nhân dân tệ (7 USD) cho tới hàng nghìn nhân dân tệ tùy thuộc vào mức thu nhập của từng địa phương, và mối quan hệ thân thiết giữa chủ và khách.
Theo anh Chen, với những khách mời lớn tuổi, họ vẫn để phong bì tiền mừng như thông lệ. Còn thiệp mời kèm “thẻ thông hành” đã được phát cho 20 bạn bè và họ hàng trong độ tuổi kết hôn. Phần lớn khách mời đặc biệt đều vui vẻ với ý tưởng mới. Thậm chí, một người đã gọi đây là “phát minh của thế kỷ 21”. Người khác nhấn mạnh ý tưởng này “xứng đáng được nhân rộng khắp cả nước”.
“Tôi nghĩ vợ chồng chúng tôi đã có một đám cưới hoàn hảo. Mọi người đều vui vẻ và chúng tôi đã nhận được những lời chúc phúc tốt đẹp từ tất cả mọi người”, anh Chen nói thêm.
Trong hơn 10 năm qua, chính phủ Trung Quốc đã ban hành nhiều biện pháp ngăn chặn hành vi lãng phí trong các đám ma và đám cưới để hướng tới mục tiêu tạo ra một môi trường “văn hóa hơn và sạch sẽ hơn”. Bởi không ít trường hợp, phong bì lại được dùng như quà hối lộ, nếu như sự kiện diễn ra trong gia đình của một người có quyền thế.
Bên cạnh đó, các quy định mới còn yêu cầu công chức phải báo cáo về kế hoạch tổ chức đám cưới hay đám ma gồm địa điểm, thời gian, danh sách khách mời và chi phí tổ chức trong vòng 10 ngày kể từ sau khi sự kiện diễn ra.
Quy định nhấn mạnh tân lang tân nương chỉ nên đặt số mâm cỗ cưới dưới 20 bàn và tối đa là mời 200 khách. Ngoài ra, chi phí cho mỗi khách mời là dưới 50 nhân dân tệ (7,7 USD) nếu tổ chức ở nhà hàng và dưới 300 nhân dân tệ (46 USD) cho mỗi mâm cỗ cưới nếu tổ chức tại nhà. Số lượng xe ô tô được sử dụng trong đám cưới cũng không quá 10 chiếc.
Lâu nay ở Trung Quốc, đám cưới và đám ma còn được xem là sự kiện thể hiện địa vị xã hội của gia chủ. Do đó, không ít dịp gia chủ đã làm quá và gây lãng phí.
Một cặp song sinh (8 tuổi) ở Thái Lan được gia đình tổ chức đám cưới hoành tráng với hy vọng “xua đuổi vận đen”.
Minh Thu (lược dịch)