Đảm bảo quyền lựa chọn của người tiêu dùng từ khảo sát hàng hoá, dịch vụ
Với 120 hàng hoá, dịch vụ tham gia khảo sát thuộc 6 nhóm ngành hàng: Nhóm Tiêu dùng, làm đẹp; nhóm nông nghiệp; nhóm gia vị; nhóm đồ uống; nhóm đồ ăn; nhóm dịch vụ, sau thời gian thực hiện khảo sát 'Hàng hóa, dịch vụ người tiêu dùng tin cậy' năm 2022 đã cho kết quả góp phần cung cấp thêm thông tin để người tiêu dùng tham khảo trong việc lựa chọn hàng hóa, dịch vụ từ trải nghiệm của nhiều người tiêu dùng.
Theo đó, mức độ hài lòng đối với sản phẩm tiêu dùng, làm đẹp là: Tin cậy 95,4%; không tin cậy 4,6%; nhóm nông nghiệp, có 11.381 câu trả lời với mức độ tin cậy 95,9%, không tin cậy là 4,1%; nhóm gia vị có 10.353 câu trả lời, trong đó, mức độ tin cậy là 96,3%, không tin cậy là 3,7%; nhóm đồ uống có 10.515 câu trả lời, trong đó, mức độ tin cậy là 96,4%, không tin cậy là 3,6%; nhóm đồ ăn có 10.413 câu trả lời, trong đó, mức độ tin cậy là 96,4%, không tin cậy là 3,6%; nhóm dịch vụ có 10,254 câu trả lời, trong đó, mức độ tin cậy là 92,9%, không tin cậy là 7,1%.
Theo Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, việc thực hiện chương trình khảo sát này thông qua nhiều hình thức, từ khảo sát trực tuyến, gửi đường link và gửi phiếu khảo sát đến người tiêu dùng để nhận câu trả lời; đến phát phiếu khảo sát cho người tiêu dùng trả lời trực tiếp….
Theo đó, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam sẽ theo dõi, nếu hàng hóa, dịch vụ đã được cấp giấy chứng nhận vi phạm pháp luật sẽ bị loại khỏi danh sách và thông tin trên website: nguoitieudung.org.vn.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho biết, việc khảo sát ý kiến đánh giá khách quan của người tiêu dùng về chất lượng, giá cả, mẫu mã, dịch vụ chăm sóc khách hàng,… đối với hàng hóa dịch vụ mà họ tin cậy, qua đó, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, cung ứng ra thị trường những hàng hóa, dịch vụ có sức cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.
Người tiêu dùng vừa là đối tượng mà tổ chức, các nhân sản xuất, kinh doanh hướng tới, đồng thời cũng là nhân tố quyết định sự phát triển của các tổ chức cá nhân. Định hướng phát triển của doanh nghiệp cũng trên cơ sở thông tin nghiên cứu thị trường, khảo sát tiêu dùng.
Vì thế ông Hùng cho rằng, việc khảo sát ý kiến người tiêu dùng là một kênh quan trọng để người tiêu dùng thực hiện quyền lựa chọn hàng hóa, dịch vụ và quyền góp ý với tổ chức, cá nhân kinh doanh về giá cả; chất lượng hàng hóa, dịch vụ; phong cách phục vụ; phương thức giao dịch theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cũng theo ông Hùng, kết quả khảo sát góp phần cung cấp thêm thông tin để người tiêu dùng tham khảo trong việc lựa chọn hàng hóa, dịch vụ từ trải nghiệm của nhiều người tiêu dùng. Cuộc khảo sát có những tiêu chí rõ ràng, công khai, minh bạch, khách quan, trung thực, có thể kiểm chứng.
Hàng hóa, dịch vụ sẽ được khảo sát theo các tiêu chí: Chất lượng, thông tin về hàng hóa, dịch vụ; đảm bảo quyền lựa chọn của người tiêu dùng; mẫu mã; giá cả phù hợp, có tính cạnh tranh; chăm sóc khách hàng, giải quyết khiếu nại và bồi thường thiệt hại.
Chương trình khảo sát 'Hàng hóa, dịch vụ người tiêu dùng tin cậy' năm 2022 là một trong những hoạt động nhằm hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" của Bộ Chính trị và các hoạt động "Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam" năm 2022, nhằm đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp, nhà sản xuất góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, với chức năng độc lập khảo sát và công bố kết quả khảo sát của Tổ chức xã hội theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chương trình được thực hiện từ ngày 1/4/2022. Sau hơn 6 tháng thực hiện chương trình đã nhận được sự tham gia của nhiều doanh nghiệp và đông đảo người tiêu dùng tại hầu hết các tỉnh/thành phố. Đến ngày 28/12/2022, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức công bố kết quả khảo sát và trao Bằng chứng nhận cho 100: "Hàng hóa, dịch vụ người tiêu dùng tin cậy" năm 2022 tại Hà Nội. |
Nguyễn Vũ