Đắk Nông: Sáu đề xuất với Trung ương về xây dựng nông thôn mới
Chung tay xây dựng NTM |
Đối với các cơ quan Trung ương, tỉnh, đề nghị Chính phủ và các bộ, ban, ngành nghiên cứu và sớm ban hành khung văn bản pháp lý thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2021-2030 để các địa phương sớm có căn cứ tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Về việc ban hành các Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau năm 2020, tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo và các Bộ, ngành Trung ương xem xét, nghiên cứu ban hành, quy định theo hướng đưa ra các chỉ tiêu, định hướng chung trong việc thực hiện các nội dung cho các vùng, miền; còn việc ban hành tiêu chí cụ thể để thực hiện thì nên giao cho các địa phương tự nghiên cứu ban hành để phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế tại địa phương, đồng thời sẽ khơi dậy được sự sáng tạo và giữ gìn, phát huy được những nét đặc trưng, bản sắc riêng của tưng vùng miền, từng dân tộc tại địa phương.
Tỉnh Đắk Nông là một tỉnh nghèo, ngân sách địa phương còn hạn chế nên việc bố trí để đầu tư xây dựng các hạng mục cơ sở hạ tầng ở nông thôn là rất hạn hẹp, chủ yếu dựa vào ngân sách Trung ương, nhất là trong việc đầu tư hệ thống lưới điện thì chỉ trông chờ vào ngân sách Trung ương và ngành Điện.
Do đó, để nâng cao chất lượng đời sống cho người dân nông thôn, nhất là ở những nơi chưa có điện hoặc điện tạm bợ, người dân tự kéo, tỉnh đề nghị Trung ương, Bộ Công Thương sớm bố trí vốn để thực hiện dự án cấp điện nông thôn từ điện lưới quốc gia tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2014-2020 và sớm có kế hoạch bố trí thực hiện giai đoạn sau năm 2020.
Trong việc thực hiện Chương trình, các bộ, ngành Trung ương, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương có nhiều đề án, đề tài thực hiện ở các địa phương trong xây dựng nông thôn mới. Do đó, trong thời gian tới, Đăk Nông đề nghị Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương và các bộ, ngành liên quan quan tâm lựa chọn tỉnh Đắk Nông để thực hiện xây dựng các đề án, đề tài, nhất là trong các lĩnh vực về nâng cao phát triển sản xuất, xây dựng mô hình du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường...
Để nâng cao chất lượng tham mưu thực hiện Chương trình và có bộ máy hoạt động đồng nhất từ trên xuống dưới ở tất cả các địa phương, tỉnh đề nghị Ban chỉ đạo Trung ương, các bộ, ngành có liên quan tham mưu Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể, thống nhất Bộ máy giúp việc cho Ban Chỉ đạo ở các cấp theo hướng đồng nhất, chuyên trách, chuyên nghiệp, từ đó mới nâng cao vai trò, trách nhiệm và yên tâm công tác trong quá trình tham mưu triển khai thực hiện Chương trình.
Tỉnh đề nghị Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách riêng, đủ mạnh cho các địa phương còn gặp nhiều khó khăn và có người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm số đông như tỉnh Đắk Nông để địa phương có thể phấn đấu vươn lên thoát nghèo và ngày càng giảm khoảng cách đối với các vùng khác, đồng thời, xem xét tăng mức hỗ trợ cho các tỉnh để tỉnh có điều kiện thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ và mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới.
Đối với các địa phương phấn đấu đạt chuẩn trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đề nghị tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thiện các nội dung, tiêu chí còn lại để được công nhận đạt chuẩn theo quy định, đảm bảo theo kế hoạch đã đề ra; trong đó thị xã Gia Nghĩa được công nhận thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, huyện Đắk R‘lấp được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong năm 2019-2020.
Để thực hiện Chương trình có hiệu quả, đảm bảo chất lượng trong giai đoạn sau năm 2020, tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương căn cứ vào thực tế, quy định của Trung ương chủ động nghiên cứu, tham mưu xây dựng kế hoạch và các cơ chế, chính sách, văn bản pháp lý đồng bộ, đủ mạnh để thực hiện.
Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới chỉ là bộ khung để phấn đấu, do đó, trong quá trình thực hiện, tỉnh đề nghị các địa phương nghiên cứu, sáng tạo, linh hoạt và căn cứ vào đặc điểm của địa phương để xây dựng được các mô hình Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, xã nông thôn mới kiểu mẫu phù hợp với đặc trưng riêng của địa phương, đảm bảo chất lượng, tránh nóng vội, chạy theo thành tích.
Trong giai đoạn tới, tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, các thành viên Ban Chỉ đạo quan tâm, dành nhiều thời gian hơn nữa trong việc tham mưu thực hiện Chương trình (trong giai đoạn 2010-2020 đã có nhiều đơn vị quan tâm thực hiện tốt như Sở Giao thông Vận tải, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Công Thương, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên....), đồng thời yêu cầu các đơn vị đã nhận hỗ trợ, đỡ đầu cho các xã trong xây dựng nông thôn mới phải nghiêm túc thực hiện việc đỡ đầu, hỗ trợ.