Đắk Nông: Bon U2 thay "áo mới"
Một góc TT Ea T'ling |
Những năm qua, cùng với các chương trình lồng ghép của Nhà nước và chương trình 10 của Huyện ủy nên bon U2 thị trấn Ea T’ling đã thay da đổi thịt.
Theo thống kê sơ bộ hiện nay, số hộ nghèo của bon U2 chỉ còn 20%; hộ có thu nhập trên 50 triệu đồng mỗi năm có gần 50%. Đánh giá của cơ quan chức năng cho thấy đây là 1 trong 10 bon, buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn huyện Cư Jút đã thay đổi và phát triển nhất.
Trước đây bon U2, thị trấn EaT’Ling là một trong những buôn, bon khó khăn và có tỷ lệ hộ nghèo nhiều nhất ở trên địa bàn huyện Cư Jút. Do dân số đông, diện tích đất sản xuất ít, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế.
Nhưng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực vượt khó vươn lên của người dân, đến nay bộ mặt trong bon đã thay đổi rất nhiều. Người dân nơi đây không ngừng tự hào về những đổi thay trên bon làng của mình.
Đó là những con đường đã được bê tông hóa hoàn toàn, và công trình phúc lợi xã hội như nhà văn hóa cộng đồng…cũng được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt đời sống tinh thần cho bà con.
Hai bên đường vào bon U2 là những ngôi nhà kiên cố với đủ kiểu cách hiện đại. Trường học cũng được nhà nước đầu tư xây dựng đầy đủ, khang trang, đáp ứng đủ 100% trẻ đến tuổi đều được tới trường học.
Ông Y’ Bhit Niê KDăm, già làng bon U2, thị trấn EaT'ling cho biết: Sự thay đổi không chỉ thể hiện trên những đường làng, ngõ xóm mà cả trong nhận thức của từng người dân cũng đã hoàn toàn thay đổi.
Nếu trước đây, một bộ phận lớn người dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước thì đến nay, họ đã hoàn toàn tự lực, tự cường, đặc biệt là trong lĩnh vực làm kinh tế.
Đơn cử như hộ gia đình ông Y BHăn Kbuôr. Tận dụng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân hàng chính sách xã hội cùng diện tích đất rộng, ông đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi quy mô lớn với đủ gà, bò, cá. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm, gia đình ông cũng có nguồn thu nhập ổn định với mức trên 100 triệu đồng, có điều kiện nuôi con ăn học.
Ông Y BHăn Kbuôr, ngụ bon U2 - thị trấn EaT’ling hồ hởi nói chuyện với PV: Có thể nói, cùng với các chương trình mục tiêu Quốc gia, chương trình 10 của Huyện ủy Cư Jút là chương trình có ý nghĩa thiết thực đối đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.
Bằng nguồn vốn chương trình 10, trong những năm qua, các địa phương trong huyện đã cấp phát hàng ngàn cây, con giống các loại để người dân đầu tư vào chăn nuôi phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, huyện đã mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng các tiến bộ Khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo bước chuyển biến đáng kể về nếp nghĩ, cách làm của đồng bào. Đồng bào đã có ý thức thâm canh, tăng vụ, đưa các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất.
Song song với sự ủng hộ tuyệt đối của người dân, huyện Cư Jút còn tranh thủ mọi nguồn vốn hỗ trợ của TW, tỉnh để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm tạo nên bộ mặt nông thôn mới cho buôn làng.
Hiện nay 100% bon, buôn đã có đường nhựa đến trung tâm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, trao đổi hàng hoá; 100% bon, buôn đã có công trình nước sạch tập trung, đáp ứng nhu cầu nước sạch sinh hoạt cho đồng bào.
Cùng với sự phát triển chung của 10 bon, buôn trên địa bàn huyện, bon U2 thị trấn Ea T’ling cũng đã nỗ lực vượt khó vươn lên trong phát triển kinh tế. Đến nay 100% tuyến đường trong bon được bê tông hóa; 100% con em trong độ tuổi được đến trường; tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số tại chỗ còn 65 hộ chiếm 20%.
Trao đổi với chúng tôi về sự đổi thay ở bon U2, ông Nguyễn Hữu Ánh - Chủ tịch UBND thị trấn EaT’ling cho biết: Có thể nói trên công cuộc xây dựng đô thị văn minh, việc thay đổi cách nghĩ và cách làm của người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đã góp phần quan trọng để thị trấn Ea T’ling phát triển toàn diện và sớm trở thành đô thị văn minh, hiện đại theo mục tiêu đã đề ra.