Đắk Lắk: Xã Ea Tam bảo tồn nét văn hóa người Tày-Nùng trong quá trình xây dựng nông thôn mới
Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, chính quyền xã Ea Tam (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) còn tạo điều kiện để bà con các dân tộc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, bài trừ tệ nạn xã hội.
‘Báu vật’ nhà sàn nổi bật giữa miền quê nông thôn mới
Theo tìm hiểu của PV Infonet, khoảng những năm 80 của thế kỉ trước, người dân thuộc huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng đã di cư vào sinh sống tại xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk và đặt tên là làng Quảng Hoà.
Ban đầu vùng đất mới chỉ có bốn bề rừng núi hoang vu, rậm rạp, đường xá đi lại khó khăn nên cuộc sống của bà con làng Quảng Hòa thiếu thốn trăm bề. Sau khi khai hoang, vỡ đất, bà con bắt đầu lân la sang các vùng lân cận, học hỏi cách trồng, chăm sóc cà phê.
Năm 1991, cà phê cho thu hoạch vụ đầu mang lại năng suất ngoài mong đợi. Nhận thấy vùng đất phù hợp với cà phê, bà con dần mở rộng diện tích rồi trồng xen các loại cây ăn quả để tăng thu nhập. Nhờ chịu khó thay đổi, bỏ hẳn tập quán du canh du cư, chuyển sang thâm canh sản xuất mà cuộc sống của bà con làng Quảng Hòa ngày một khấm khá.
Đời sống người dân khấm khá nhờ chịu khó học hỏi làm kinh tế. |
Theo ông Nông Văn Minh (SN 1970), hiện trong làng Quảng Hòa, nhà nào cũng có từ 2-3 ha rẫy cà phê trồng xen canh cây ăn quả. Mỗi năm, nhà nào thu nhập thấp nhất cũng đạt khoảng 200 triệu đồng, có nhà nhiều rẫy nhiều đất thì thu nhập đạt khoảng 400 triệu đồng.
“Nhà tôi có 2 ha cà phê, trồng xen canh bơ, sầu riêng và mắc ca. Đến nay, tất cả đều đã cho thu hoạch, mỗi năm cũng được khoảng 250 triệu đồng. Ở đây khí hậu thuận hòa, bà con ai cũng chịu khó nên giờ gia đình nào cũng đầy đủ tiện nghi chẳng kém gì dân thành phố”, ông Minh chia sẻ.
Kinh tế phát triển, đời sống sung túc nên bà con làng Quảng Hòa đã đóng góp khoảng 700 triệu đồng và hàng trăm ngày công để làm đường bê tông, góp phần xây dựng nông thôn mới trên mảnh đất này.
Dù điều kiện khấm khá, đủ điều kiện kinh tế để xây nhà theo kiểu hiện đại nhưng người Nùng An tại làng Quảng Hòa vẫn giữ những nếp nhà sàn truyền thống để bảo tồn, phát huy văn hóa của dân tộc mình.
Theo ông Nông Văn Lòong (SN 1952), cuộc sống của người dân làng Quảng Hòa tương đối sung túc. Tuy nhiên, bà con đã gắn bó với nhà sàn từ nhiều thế hệ nên dù đi đâu, làm gì cũng muốn quây quần bên nhà sàn.
“Chúng tôi sinh ra từ nhà sàn, gắn bó cả cuộc đời với nếp nhà sàn nên không bỏ được. Nhà sàn không chỉ là nơi để ở, đó còn là nơi để nhắc nhở con cháu nhớ về nguồn cội, nhớ về nét văn hóa của người Nùng An”, ông Lòong chia sẻ.
Những ngôi nhà sàn 4 mái tạo nét riêng cho làng Quảng Hòa. |
Ông Hoàng Đình Tân, Bí thư Chi bộ thôn Tam Điền cho biết, hiện làng Quảng Hòa có 57 hộ với 270 khẩu (100% người Nùng An). Bà con làng Quảng Hòa vẫn giữ nếp nhà sàn truyền thống để lưu giữ nét văn hóa đặc sắc của quê hương. “Nhà sàn truyền thống của người Nùng An có 4 mái với 30 đến 56 cột… Bà con coi nhà sàn như là báu vật. Do đó, nhiều gia đình có điều kiện xây nhà hiện đại nhưng vẫn thích ở nhà sàn”, ông Tân nói.
Còn bà La Bế Thủy Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tam cho hay, ngoài nhà sàn, hiện làng Quảng Hòa vẫn còn giữ gìn nghề dệt vải chàm, đang khôi phục văn hóa dân gian hát hèo phườn (hát lượn, hát giao duyên). “Làng Quảng Hòa là không gian văn hóa truyền thống đặc sắc. Hơn thế, làng Quảng Hòa còn tạo điểm nhấn để địa phương tiến tới phát triển du lịch làng bản”, bà Trang trao đổi.
Bếp lửa ấm cúng trong căn nhà sàn của người Quảng Hòa. |
Việt Bắc thu nhỏ giữa Tây Nguyên
Ngoài làng Quảng Hòa, tỉ lệ các dân tộc thiểu số phía Bắc di cư vào địa bàn xã Ea Tam định cư cũng rất cao. Khi đến vùng đất mới, bà con các dân tộc phía Bắc đã lưu truyền, phát huy những nét văn hóa truyền thống của mình. Cũng vì vậy, khi nhắc đến xã Ea Tam, nhiều người thường ví von xã này như một Việt Bắc thu nhỏ giữa đại ngàn Tây Nguyên.
Trước đây, một số vùng dân cư đã tổ chức những lễ hội nhỏ, tạo không gian sinh hoạt văn hóa để vui xuân, mừng vụ mùa mới. Dần dà, những lễ hội nhỏ lẻ càng ngày càng thu hút được nhiều người và nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương.
Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, xã Ea Tam tổ chức thường niên Lễ hội văn hóa Dân gian Việt Bắc với những nét văn hóa độc đáo riêng biệt, có sức lan tỏa, thu hút rất đông du khách trong và ngoại tỉnh đến tham gia.
Nhiều người trẻ tuổi cũng vì vậy mà yêu thêm, gắn bó thêm với văn hóa truyền thống, bắt đầu học hát then, tập đàn tính, nhiều địa phương đã thành lập được đội văn nghệ dân gian, đội nấu rượu, làm bánh…để tham gia vào các dịp lễ hội.
Đến nay, những lệ hội như: cúng Thổ Công, cầu mùa, hội Lồng Tồng, hội tung còn đầu xuân, hội cốm… đã thu hút đông đảo người dân trong và ngoài địa phương đến tham dự, tạo không gian giao lưu văn hóa, gắn kết giữa các dân tộc anh em trên địa bàn xã Ea Tam.
Câu lạc bộ hát then tại xã Ea Tam quy tụ được nhiều nghệ nhân tham gia. |
Trong những dịp lễ hội, ngoài những điệu múa xòe của người Thái, điệu hát then, tiếng đàn tính của người Tày, Nùng còn có nhiều phần thi sôi nổi, để bà con thi thố tài nghệ như: nấu rượu men lá, làm bánh chưng, giã bánh dày, bánh khảo, làm xôi ngũ sắc, quay heo mắc mật…
Lễ hội cũng là dịp để bà con có cơ hội trò chuyện, hỏi thăm sức khỏe, công việc, mùa màng sau một năm làm lụng vất vả, là dịp để cái đôi trai gái gặp gỡ tâm tình, hẹn ước, nên duyên vợ chồng.
Theo bà La Bế Thủy Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tam, toàn xã có 19 dân tộc, trong đó người Tày -Nùng chiếm gần 90% dân số. Ngoài việc chú trọng phát triển kinh tế trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, chính quyền các cấp và xã Ea Tam đã tạo điều kiện để bà con giữ gìn, phát huy những nét đẹp văn hóa vốn có của dân tộc, xây dựng văn hóa nông thôn lành mạnh, đẩy lùi những hủ tục, bài trừ tệ nạn xã hội.
Trần Nhân