Đắk Lắk: Phát động sáng tác biểu trưng về Chương trình mỗi xã một sản phẩm
Tỉnh Đắk Lắk đã phát động cuộc thi về sáng tác biểu trưng về chương trình mỗi xã một sản phẩm |
Thực hiện Thông báo số 638/TB-VPĐP-OCOP về việc thông báo nội dung, thể lệ phát động cuộc thi Sáng tác biểu trưng về Chương trình mỗi xã một sản phẩm – OCOP, ngày 26/9/2018 Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk đã ban hành công văn 354/VPĐP-KHTH về việc tuyên truyền và triển khai Cuộc thi Sáng tác biểu trưng về Chương trình mỗi xã một sản phẩm-OCOP và đề nghị các Sở ban ngành, đoàn thể của tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai nội dung cuộc thi đến nhân dân, cán bộ, các tổ chức, đoàn thể tham gia.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (One commune one product - OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị.
Đây được xem là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
Trong đó, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm...
Các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ được lựa chọn là sản phẩm chủ lực, phải có nguồn gốc từ địa phương hoặc được thuần hóa, đặc biệt là đặc sản vùng, miền, trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ. Sản phẩm OCOP được đánh giá theo 5 hạng, trong đó hạng 5 sao là cao nhất - bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Với lợi thế trung tâm vùng Tây Nguyên, có nhiều sản phẩm mang tầm cỡ thế giới và đang được tiêu thụ rộng rãi như cà phê, hồ tiêu, cao su, điều… thì việc lựa chọn và nâng cao chất lượng sản phẩm theo Chương trình OCOP của Đắk Lắk có khá nhiều thuận lợi như có thể liên kết sản xuất thành vùng nguyên liệu lớn (liên xã, liên huyện); tìm kiếm, mở rộng thị trường; xây dựng thương hiệu…
Hiện tại, Đắk Lắk đang trong quá trình khảo sát, lấy ý kiến các địa phương xây dựng tiêu chí lựa chọn sản phẩm chủ lực và định hướng phát triển cho từng nông sản.
Theo quy định của Chương trình, một sản phẩm chủ lực phải đạt những yêu cầu nhất định như tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất; giá trị gia tăng cao; năng suất, sản lượng, chất lượng bảo đảm; liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ… Quá trình thực hiện Chương trình OCOP khó tránh khỏi những khó khăn sẽ gặp phải, nhưng nếu thực hiện thành công thì địa phương sẽ giải quyết được nhiều vấn đề từ quy hoạch vùng sản xuất đến cách sản xuất, điều hành và định hướng phát triển trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Do đó, Chương trình OCOP sẽ là một giải pháp hữu hiệu để địa phương phát huy tối đa lợi thế của từng vùng đất, tạo nên giá trị khác biệt cho từng địa phương để hội nhập.