Đại tá Nguyễn Hữu Cầu nói về tình trạng "mất rừng" ở Nghệ An
Toàn cảnh của phiên chất vấn. |
Sẽ truy cứu trách nhiệm của cá nhân, tập thể để xảy ra phá rừng
Ngày 19/12, kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã tiến hành phiên chất vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hoàng Nghĩa Hiếu về công tác quản lý và bảo vệ rừng, giao rừng tại địa phương...
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Nghệ An, toàn tỉnh hiện có 1.236.259 ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, diện tích rừng và đất lâm nghiệp trong quy hoạch 3 loại rừng 1.166.109 ha; diện tích ngoài quy hoạch 3 loại rừng 70.150,21 ha; diện tích đất có rừng 942.508 ha; bao gồm, rừng tự nhiên 796.259 ha, rừng trồng 146.249 ha, đất chưa có rừng 293.750 ha; độ che phủ rừng hiện tại đạt 57,2%.
Tỉnh Nghệ An là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn trong cả nước, vì vậy công tác quản lý, bảo vệ rừng... còn có nhiều bất cập và khó khăn.
Nhiều đại biểu băn khoăn về công tác bảo vệ rừng tại các địa phương còn nhiều bất cập. |
Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu tỏ ra băn khoăn, yêu cầu làm rõ những bất cập khi trên địa bàn vẫn xảy ra nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng, trách nhiệm của những đơn vị, cá nhân trực tiếp quản lý còn lỏng lẻo và cần nêu rõ những người phá rừng là ai, trách nhiệm xử lý đến đâu.
Trả lời về vấn đề này, ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết, trong năm 2017 đã phát hiện và bắt hơn 730 vụ vi phạm luật; tịch thu hơn 1.000 m³ gỗ các loại.
Trong 14 vụ được đưa ra về chặt phá rừng, vụ lớn nhất ở huyện Tương Dương 189 cây bị chặt phá, lên tới 289 m³, đối tượng chặt phá là một số người dân của huyện Kỳ Sơn (Nghệ An).
Một số vụ án thuộc biên giới Việt - Lào thuộc Bộ đội Biên phòng quản lý, Ban quản lý phòng hộ Tương Dương, Kỳ Sơn, một số kiểm lâm có trách nhiệm liên đới đang được xem xét.
Ông Hiếu cũng thừa nhận trách nhiệm của Sở đã để xảy ra tình trạng phá rừng nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh thời gian qua, đồng thời sẽ truy cứu trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể để xử lý.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Nghĩa Hiếu trả lời chất vấn. |
Cũng tại buổi trả lời chất vấn, người đứng đầu ngành NN&PTNT Nghệ An nêu ra những nguyên nhân chủ quan của việc chặt phá rừng như: Một số chủ rừng là tổ chức có thời điểm chưa quyết liệt trong việc triển khai nhiệm vụ tuần tra chống chặt phá rừng, quản lý, chỉ đạo hoạt động đối với lực lượng bảo vệ rừng chưa nghiêm; kiểm tra giám sát chất lượng hoạt động bảo về rừng chưa tốt. Công tác phối kết hợp giữa các lực lượng liên huyện để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng còn thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ.
Bên cạnh đó, một số cán bộ được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng, Kiểm lâm địa bàn, chính quyền cấp xã chưa bám sát cơ sở, thiếu sâu sát, tinh thần trách nhiệm chưa cao, ít đi tuần tra rừng, nắm bắt thông tin trong nhân dân. Việc bố trí các trạm kiểm lâm địa bàn và Trạm bảo vệ rừng còn nhiều bất cập, chồng chéo.
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết, sắp tới sẽ tiếp tục khởi tố những đối tượng liên quan đến các vụ phá rừng nghiêm trọng trên địa bàn. |
Đã khởi tố hình sự 14 vụ với 39 đối tượng phá rừng
Phát biểu tại phiên chất vấn, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An thông tin, trong năm 2017, chỉ riêng lực lượng công an đã phát hiện 170 vụ phá rừng với gần 170 đối tượng tham gia, thu gần 500 m³ gỗ, 15 tấn gỗ các loại.
Cơ quan công an đã khởi tố hình sự 14 vụ, với 39 đối tượng về các tội vi phạm về khai thác bảo vệ rừng; hủy hoại rừng; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Những địa bàn xảy ra nhiều vụ phá rừng là huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu...
Gần nhất là vụ khởi tố 2 cán bộ bảo vệ rừng tại huyện Tương Dương vì để xảy ra vụ chặt phá rừng gây hậu quả nghiêm trọng (với 189 cây Pơ mu với khối lượng gần 300 m³). Sắp tới sẽ tiếp tục khởi tố những đối tượng liên quan.
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh: “Quy định của pháp luật thì vô cùng chặt chẽ, pháp luật quy định để bảo vệ rừng gồm có 4 đơn vị, chủ thể gồm: Chủ rừng (tức là Ban Quản lý các rừng phòng hộ); Kiểm lâm địa bàn; Chủ tịch UBND các xã nơi có rừng và Bộ đội Biên phòng ở khu vực có rừng được Bộ đội biên phòng đóng quân. Như vậy, 4 đơn vị này đều tham gia bảo vệ rừng, theo Nghị định 119 và Quyết định 83 của Bộ NN&PTNT thì quy định trách nhiệm rất lớn.
Cụ thể, ở xã hàng năm phải có chương trình, kế hoạch để bảo vệ, hàng tháng phải lập chương trình kế hoạch để đi bảo vệ; hàng tuần, hàng tháng và hàng quý phải tổ chức tuần tra; ở đây phải lập các đội bảo vệ rừng, tuần tra bảo vệ rừng, phải lập các tổ đội để phòng cháy rừng.
Kiểm lâm địa bàn phải có mặt từ 15 - 25 ngày ở rừng, hàng tháng phải có báo cáo về cho Chi cục trưởng kiểm lâm. Tuy nhiên qua điều tra, tất cả những việc này hầu như không làm được”.
Đại tá Cầu cho rằng: “Nếu kiểm lâm địa bàn huy động, xây dựng được các đội dân phòng, tuần tra, kiểm soát ở địa bàn rừng do UBND các xã thành lập thì việc rừng của chúng ta vẫn cứ bảo vệ một cách bình thường.
Việc thiếu người chỉ là điều kiện khách quan. Còn nếu làm hết trách nhiệm theo quy định của pháp luật thì vấn đề hủy hoại rừng sẽ được giảm xuống rất nhiều”.
Người đứng đầu ngành Công an Nghệ An khẳng định: “Trong thời gian sắp tới, chúng tôi tiếp tục điều tra, làm rõ các trách nhiệm của chủ rừng, của kiểm lâm địa bàn, làm rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND các xã, trách nhiệm của bộ đội biên phòng và lực lượng có liên quan đến công tác bảo vệ rừng để kiến nghị, xử lý”.
“Ngành Nông nghiệp nên xâu chuỗi 4 đơn vị có trách nhiệm bảo vệ rừng lại, để thống nhất một cái quy chế phối hợp, hành động. Để thường xuyên kiểm tra và đôn đốc lực lượng tại chỗ, để bảo vệ rừng.
Chủ rừng, chính quyền địa phương không nêu cao trách nhiệm, kiểm lâm địa bàn, không bám sát và biên phòng không vào cuộc quyết liệt thì rừng của chúng ta sẽ còn phải nói đến có sự chặt phá nữa” - Đại tá Nguyễn Hữu Cầu đề xuất.