Đại tá Đinh Thế Văn: Chúng tôi bình tĩnh chờ đánh B- 52
Cựu chiến binh Đinh Thế Văn, người trực tiếp chỉ huy bắn hạ pháo đài bay B - 52 trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không tháng 12/1972 |
Câu chuyện của ông như trôi về thời điểm năm 1972, Tiểu đoàn 77 đóng quân trên trận địa Chèm với nhiệm vụ đón đánh máy bay Mỹ từ hướng Tây Bắc.
Nói về sự chủ động trong trận quyết chiến trên bầu trời Hà Nội ông vẫn có phần trầm ngâm: Mặc dù rất chủ động, rất quyết tâm nhưng trước khi bước vào cuộc đối đầu chúng tôi vẫn còn một phân vân là nhiễu B52 thật và giả. Vì vậy vấn đề nghiên cứu nhiễu trở thành trọng tâm. Nếu như trước khi bước vào chiến dịch các trắc thủ của đơn vị đã được huấn luyện cách xách định giải nhiễu của B-52 như: cường độ sáng của nhiễu rực hơn các loại khác, chúng cũng có độ mịn và rộng hơn, giải nhiễu ổn định chứ không lật trái, lật phải, bổ nhào như các loại nhiễu khác.
Đúng 16h30, ngày 18/12/1972, đơn vị được trên thông báo sẽ có một đợt hoạt động của B-52 ra Hà Nội, khi đó, trên màn hiện sáng Vi Co chưa có gì. Lúc 18h50 lệnh từ SCH cho vào cấp 1, tiểu đoàn vào cấp và khí tài hoàn toàn tốt, chuẩn bị 6 tên lửa. Và bắt đầu mở máy thu nhiễu. Các màn hiện sóng nhiễu trắng xóa, thông tin nối với trung đoàn nghe cũng rất nhỏ. Chỉ có mạng của FA của Sư đoàn còn nghe được và trên thông báo nhiều tốp B-52 đang vào Hà Nội: Các đơn vị chú ý tên lửa tập trung đánh B-52, cao xạ đánh máy bay F, chú ý nhiễu B52 giả…Các trắc thủ và sỹ quan điều khiển của tiểu đoàn căng óc nghiên cứu giải nhiễu bên tai luôn vang lời nhắc nhở cẩn thận nhiễu B- 52 giả.
Sau nhiều lần nghiên cứu nhưng không bắn được vì cự li và tham số lớn. Trung đoàn lại thông báo lúc 20h tiểu đoàn 78 đã phát hiện được tín hiệu B- 52. Tin vui ấy đã khiến cho anh em Tiểu đoàn 77 khẳng định chắc chắn sẽ phát hiện được B-52. Và họ tiếp tục tập trung nghiên cứu và tìm kiếm nhiễu B-52, bộ mặt của nhiễu giờ đã quen. Tuy nhiên chưa tìm được giải có tham số tốt. Khi đó trắc thủ TZK báo cáo có máy bay cháy to, tên lửa phía trước bắn rơi B- 52. Và 23h13 trên thông báo Tiểu đoàn 59 bắn rơi B-52 tại chỗ. Chúng tôi không ai nói ra nhưng đều thầm nghĩ thời cơ quyết chiến của đơn vị mình sắp đến.
Đến 23h09 tiểu đoàn nghiên cứu giải nhiễu B-52 có tham số nhỏ trên hướng 320độ, trung đoàn cho phép bắn, họ theo dõi cự li đến 35km, tiểu đoàn phát sóng thấy mục tiêu ngày càng rõ, đến cự li 32, quyết định phóng 2 tên lửa, đạn điều khiển tốt, cho tự động cả 3 màn, đạn gặp mục tiêu ở cự li 23km, cả hai tên lửa đều nổ tốt. Trắc thủ TZK báo mục tiêu B- 52 cháy cháy to, đồng thời trên màn hiện sóng lúc đó trắc thủ góc tà báo mục tiêu hạ thấp độ cao, nhiễu giảm nhiều và tản ra. Và máy bay đã được thông báo rơi tại xã Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Tây (cũ). Khỏi phải nói niềm vui của kíp trắc thủ lúc đó như thế nào. Trong xe điều khiển không ai dám reo to nhưng ánh mắt họ trao cho nhau đã nói thay tất cả.
Trận địa tên lửa SAM 2 sẵn sàng ngênh chiến bắn hạ máy bay Mỹ bảo vệ bầu trời Hà Nội . Ảnh tư liệu |
Vậy là với phương pháp phát sóng nhanh, khi gặp đúng giải nhiễu B-52 thì lại tắt nếu không địch sẽ lợi dụng cánh sóng để phóng tên lửa sơ rai vào trận địa; ngắm giải nhiễu từ xa, đến khi B-52 vào cách mục tiêu 35km chúng sẽ phải cua vào để ném bom nên sẽ bị hở sườn, máy bay này nặng và to bay với tốc độ ổn định nên phản xạ hiện trên màn hình rađa rất rõ và sáng. Chính sau thời điểm đó Chính ủy sư đoàn 361 là đồng chí Văn Giang đã nói trên mạng FA “Cậu Văn đã “mở mắt” rồi, các chú cứ mạnh dạn đánh”. Lời nói đó đã góp phần thúc đẩy họ tiếp tục bước vào trận đấu mới. Không chỉ bắn rơi B-52 tại chỗ mà đơn vị còn gạt được 6 quả Sơ rai theo đúng phương án mà kíp chiến đấu đã học và tập luyện thành thục. Sau đó đến ngày 20 va rạng sáng 21 tiểu đoàn đã đánh 4 trận bằng 8 quả tên lửa đã tiêu diệt 2 B- 52. Đến đêm 26 tháng 12 tiểu đoàn tiếp tục đánh 3 trận và được công nhận bắn rơi 1 chiếc B- 52.
Vậy là, trong chiến dịch 12 ngày đêm, tiểu đoàn đã chiến đấu mưu trí dũng cảm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu diệt 4 B- 52 được nhà nước Phong tặng là Tiểu đoàn anh hùng. Bản thân ông Đinh Thế Văn được tặng thưởng huân chương chiến công hạng nhất.
Tái hiện bản hùng ca Điện Biên Phủ trên không bằng sân khấu rối nước
Trong những ngày này, khi khách du lịch trong và ngoài nước đến làng rối Đào Thục đều được thưởng thức màn rối nước rất đặc biệt: “Bộ đội tên lửa VN đánh B- 52” đầy ấn tượng. Song cũng rất ít người biết được vở rối do chính người tiểu đoàn trưởng năm xưa xây dựng kịch bản. Năm 1989, ông nghỉ hưu và trở về với quê hương. Làng Đào thục của ông có di tích phi vật thể là múa rối nước. Xong khi ấy đình làng bị phá, chùa thì sắp đổ, rối nước hoạt động rất cầm chừng. Người đại tá già đáu đáu trong lòng một câu hỏi? Làm sao để giữ nghề vàngười dân sống được bằng nghề? Thách thức ấy chẳng khác nào tìm cách đánh B- 52. Bước đầu ông cùng với các cụ trong làng lập ra quy hoạch tu bổ và từng bước khôi phục lại làng nghề, ông cũng đã đi gõ cửa các cơ quan, ban ngành chức năng xin kinh phí ủng hộ và về khôi phục lại đình làng, chùa làng và đặc biệt là một thủy đình hoành tráng đã được xây dựng để làm nơi duy trì nghề và biểu diễn. Ông cũng kết hợp với trung tâm bảo tồn văn hóa của thành phố mời các đoàn làm phim về quay phim giới thiệu về làng nghề nhằm quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước để họ có thể biết rằng ở đây không chỉ có nghề làm rối nước mà cong có nghề tiện quân rối, đóng bàn ghế, giường tủ. Cuối cùng những cố gắng của ông đã được đền đáp. Làng rối Đào Thục đã là một điểm đến thú vị của các tour du lịch, nghề mộc của làng thu hút hàng trăm lao động, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Vậy là một lần nữa bản chất người lính cụ Hồ lại được tỏa sáng, dù trong hoàn cảnh nào.
Bích Phượng