Đài huyện chưa sản xuất được chương trình tiếng dân tộc
Điều 5 Thông tư liên tịch số 17/2010/TTLT-BTTTT-BNV của Bộ Thông tin & Truyền thông và Bộ Nội vụ đã quy định rõ, đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện được “sản xuất và phát sóng các chương trình truyền thanh bằng tiếng Việt và bằng các tiếng dân tộc trên hệ thống loa truyền thanh, thiết bị phát sóng phát thanh”, được “tiếp sóng và phát sóng các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam,… đài phát thanh và truyền hình cấp tỉnh”.
Tuy nhiên, khảo sát của Bộ Thông tin & Truyền thông mới đây cho thấy, chương trình phát thanh do các đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện tự sản xuất và phát sóng mới đạt trung bình khoảng 20 chương trình/tháng. Việc phát sóng mới và phát lại mỗi ngày từ 2 - 3 lần/ngày (sáng - trước giờ hành chính, trưa và chiều - sau giờ hành chính) trong khoảng 1 đến 2 tiếng/buổi.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Nhìn chung, các chương trình phát thanh hàng ngày còn nhiều hạn chế như: Nội dung chương trình chưa phong phú, chưa đa dạng, chưa có những tác phẩm có giá trị lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, việc nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến của địa phương chưa thường xuyên nên chưa thu hút được nhiều người nghe, trừ một số nhỏ đối tượng là các cán bộ hưu trí, cán bộ lãnh đạo đương nhiệm quan tâm đến thời sự địa phương. Số lượng chương trình có tin, bài sử dụng từ các báo, tạp chí của Trung ương và của tỉnh chiếm đa số. Việc đưa tin, phóng sự về những vấn đề chính trị, xã hội nổi bật, những vấn đề được dư luận tại địa phương quan tâm chưa được thông tin đầy đủ, kịp thời.
Ở một số khu vực có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, việc sản xuất các chương trình tiếng dân tộc vẫn chưa được thực hiện nên phần nào hạn chế việc phổ cập thông tin của chính quyền địa phương tới người dân.
Theo số liệu thống kê tháng 3/2017 của Bộ Thông tin & Truyền thông, kinh phí dành cho đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện rất eo hẹp. Kinh phí thường xuyên bình quân mỗi đài khoảng 1,1 tỷ/năm, bao gồm các hoạt động sự nghiệp, lương, hành chính, mua sắm vật tư, sửa chữa trang thiết bị...; riêng kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản bình quân mỗi đài khoảng 0,11 tỷ/năm.
Đối với các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa có địa bàn rộng, phức tạp về địa lý, kinh phí chỉ đủ chi lương và hành chính, còn chi phí cho hoạt động sự nghiệp hạn hẹp dẫn đến tình trạng lúng túng, thiếu chủ động trong hoạt động sự nghiệp thông tin.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đài truyền thanh cấp huyện đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và phù hợp với thực tế địa phương trong tình hình mới, nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của người dân, việc xây dựng Đề án “Quản lý, phát triển hệ thống truyền thanh - truyền hình cấp huyện” là rất cần thiết.
Đề án sẽ đánh giá tổng thể hiện trạng, chỉ ra những mặt hạn chế, định rõ khả năng phát triển, từ đó đề ra những chính sách phát triển phù hợp, để hệ thống truyền thanh - truyền hình cấp huyện tiếp tục thực hiện tốt hơn công tác thông tin, tuyên truyền đáp ứng các yêu cầu thực tiễn đặt ra trong tình hình mới.