'Đại gia' vàng báo lãi kỷ lục
Theo báo cáo của Công ty cổ phần (CTCP) Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), lợi nhuận năm 2022 đạt 1.016 tỷ đồng, tăng gấp 4,3 lần so với cùng kỳ. Giai đoạn 2018 - 2021, Doji chỉ lãi ròng dao động từ 80 đến hơn 230 tỷ đồng/năm.
Tuy mức lợi nhuận năm 2022 của Doji tăng đột biến nhưng chỉ ngang với mức lãi của đối thủ là Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) trong năm 2021. Năm ngoái, PNJ ghi nhận lợi nhuận lên đến 1.800 tỷ đồng, khoảng cách khá xa so với Doji.
Tính đến ngày 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của Doji tăng thêm 1.000 tỷ đồng, đạt 6.361 tỷ đồng. Cùng với đó, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) tăng lên gần 17,4%. Hệ số này tăng mạnh thêm 12% so với cùng kỳ năm trước.
Tập đoàn Doji tiền thân là Công ty Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD, thành lập năm 1994. Đến năm 2007, doanh nghiệp này chính thức đổi tên thành CTCP Vàng bạc đá quý và Đầu tư thương mại Doji.
Doji hiện có 15 công ty thành viên hoạt động theo mô hình công ty mẹ con. Ngoài kinh doanh vàng, bạc, tài chính ngân hàng, Doji lấn sân sang lĩnh vực bất động sản với thương hiệu Doji Land.
Trong khi đó, Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2023, doanh thu thuần 9.753 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 749 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ và là mức kỷ lục mới của doanh nghiệp.
Tin doanh nghiệp
Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
* VRE: CTCP Vincom Retail vừa công bố báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý I/2023. Theo đó, Vincom Retail đạt doanh thu thuần hợp nhất 1.943 tỷ đồng, tương đương tăng 42% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.024 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ và tăng 23% so với quý IV/2022.
* DIG: Ngày 21/4, HĐQT Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng đã có nghị quyết thông qua việc dừng triển khai phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 tổ chức hồi tháng 4/2022, DIC Corp đã thông qua phương án phát hành thêm 100 triệu cổ phiếu với giá chào bán 30.000 đồng/cổ phiếu.
* HDG: HĐQT CTCP Tập đoàn Hà Đô đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu thuần đạt 3.225 tỷ đồng; lãi sau thuế 971 tỷ đồng, lần lượt giảm gần 10% và 29% so với thực hiện năm 2022.
* SVT: Ngày 22/4, ĐHĐCĐ thường niên 2023 của CTCP Công nghệ Sài Gòn Viễn Đông thông qua các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2023. Theo đó, tổng doanh thu năm 2023 ở mức 192 tỷ đồng, đi ngang so với thực hiện năm trước. Song, mục tiêu lãi trước thuế tăng 16% lên 30 tỷ đồng.
* HAX: ĐHĐCĐ thường niên 2023 của CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh đưa ra kế hoạch tổng lợi nhuận trước thuế Công ty mẹ năm 2023 là 310 tỷ đồng, gần như đi ngang so với thực hiện năm 2022.
* TPB: Theo BCTC quý I vừa công bố, Ngân hàng TMCP Tiên Phong thu được 1.765 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 9% so cùng kỳ nhờ một số nguồn thu phi tín dụng tăng mạnh và giảm trích lập dự phòng. Nợ xấu thời điểm cuối quý I tăng 84%.
* ABB: Theo BCTC hợp nhất vừa công bố, Ngân hàng TMCP An Bình, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt gần 729 tỷ đồng, tăng 18%. Trong kỳ, Ngân hàng trích gần 117 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 2,6 lần cùng kỳ. Ngân hàng thu được gần 612 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 6%.
* CAP: Theo BCTC quý II niên độ 2022-2023 (từ ngày 1/1-31/3/2023), CTCP Nông Lâm sản thực phẩm Yên Bái ghi nhận doanh thu đạt hơn 185 tỷ đồng, tăng mạnh 87% so với cùng kỳ; lợi nhuận ròng đạt hơn 35 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ.
VN-Index
Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/4, VN-Index giảm 6,34 điểm (-0,6%) xuống 1.042,91 điểm.
HNX-Index tăng 0,32 điểm lên 206,92 điểm và UPCoM-Index tăng 0,14 điểm lên 77,99 điểm.
Sau khi xuống mức thấp nhất gần 2 tháng, thanh khoản trên HOSE đã có sự cải thiện đáng kể. Giá trị khớp lệnh trên HOSE tăng mạnh 57% so với phiên trước ghi nhận 8.838 tỷ đồng.
Trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng với giá trị xấp xỉ 229 tỷ đồng. Cụ thể, tại chiều bán, cổ phiếu chứng khoán SSI chịu áp lực bán ròng mạnh nhất với 64 tỷ đồng; VNM xếp thứ 2 danh sách bán ròng mạnh với 40 tỷ đồng. Ngoài ra, NLG, KBC, DPM cũng bị bán ròng mạnh từ 17-29 tỷ mỗi cổ phiếu.
Chiều ngược lại, HPG được mua ròng mạnh nhất khoảng 57 tỷ đồng. Bên cạnh đó, VPB, SBT, TTF, VRE xếp tiếp theo danh sách mua ròng mạnh với 10-23 tỷ đồng mỗi mã.
Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 14 tỷ đồng. Tại chiều bán, IDC bị khối ngoại "xả" mạnh nhất trên HNX với giá trị 7 tỷ đồng; ngoài ra họ cũng bán ròng tại MBS (-3 tỷ), SHS (-2 tỷ),...
Chiều mua, cổ phiếu PVS hôm nay được khối ngoại mua 1 tỷ đồng, tương tự, TC6, APS,... cũng đồng loạt được mua ròng mỗi cổ phiếu vài trăm triệu đồng.
Trên sàn UPCoM, khối ngoại mua ròng nhẹ 15 triệu đồng. Cổ phiếu MCH và BSR được khối ngoại mua ròng mạnh nhất trên UPCoM vài tỷ đồng mỗi mã. Cổ phiếu VTP bị bán ròng mạnh nhất 4 tỷ đồng; ngoài ra họ cũng bán ròng tại VEA, QNS, PGB, HNI,...
Ngọc Cương