Đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá cao kết quả việc PCTHTL tại nước ta
Nhận thức rõ tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe người dân cũng như kinh tế đất nước, trong những năm qua công tác phòng chống tác hại thuốc lá được đẩy mảnh với nhiều hành động quyết liệt, rõ ràng.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê (Cục Trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh -Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá) cho biết:
"Để thực thi hiệu quả luật phòng chống tác hại thuốc lá và các quy định của luật,Bộ Y tế và quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá đã triển khai rất nhiều các nhóm giải pháp khác nhau. Đó là các nhóm giải pháp về pháp luật, đưa ra rất nhiều các văn bản quy định và các chế tài. Cùng với đó là việc thực hiện, thực thi môi trường không khói thuốc lá, xây dựng ngôi trường không khói thuốc, bệnh viện không khói thuốc, nhà hàng không khói thuốc,…Trong 9 nhiệm vụ chính, hoạt động truyền thông, phối hợp với các cơ quan truyền thông như báo nói, báo hình, báo viết và các cơ quan truyền thông để đưa đến, thay đổi nhận thức cho người dân về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe. Thay đổi hình ảnh quảng cáo trên bao bì thuốc lá. Trước khi chúng ta chỉ có dòng chữ cảnh báo nhỏ, thì hiện nay khi Luật được thực thi, chúng ta đã đưa hình ảnh cảnh báo sức khỏe lên đến 50% ở tất cả các vỏ bao thuốc lá".
Việt Nam đã có nhiều hành động trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá |
Chính nhờ những biện pháp đó, công tác phòng chống tác hại thuốc lá đã đạt được nhiều kết quả khả quan.
Trong đó nổi bật nhất chính là mạng lưới về phòng chống tác hại của thuốc lá được thành lập và duy trì toàn quốc với 20 bộ, ngành và tổ chức chính trị xã hội và 62/63 tỉnh, thành phố thành lập Ban chỉ đạo PCTH của thuốc lá.
Việc thực thi môi trường không khói thuốc cũng được quan tâm. Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã thực hiện môi trường không khói thuốc theo quy định của Luật. Bên cạnh đó có 4 thành phố (Hạ Long, Huế, Nha Trang và Hội An) triển khai hoạt động xây dựng môi trường du lịch không khói thuốc lá.
Công tác truyền thông và xây dựng môi trường không khói thuốc lá được triển khai với nhiều hình thức, nội dung đa dạng và phong phú. Theo Báo cáo đánhh giá kết quả hoạt động và quản lý Quỹ sau 3 năm” có tới 90,8% người dân và 73,2% lãnh đạo đã nhận được các thông tin về PCTH thuốc lá trên tivi.
Việc tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá cũng được thực hiện tốt tại các cơ quan đơn vị. Theo Báo cáo của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thì năm 2016 có thêm 51.749 CNVCLĐ bỏ thuốc lá; trên 70% số Công đoàn cơ sở trên cả nước triển khai môi trường làm việc không khói thuốc lá.
Đánh giá về kết quả đạt được của công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam, ông Kidong Park - Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết:
"Việt Nam trong những năm qua đã có những hành động rất đáng kể trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, bao gồm việc ban hành luật phòng chống tác hại thuốc lá, in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh, tổ chức thường xuyên các chiến dịch về truyền thông về tác hại thuốc lá và thành lập quỹ tác hại thuốc lá. Với những nỗ lực này, Việt Nam đã có được những kết quả ban đầu đáng khích lệ, cho thấy đã giảm được tỉ lệ hút thuốc ở nam giới, đặc biệt là ở khu vực thành thị, tỉ lệ hút thuốc thụ động đã giảm ở khắp các khu vực ở các mức khác nhau".
Tuy nhiên, ông Kidong Park cũng cho rằng Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm để có thể đạt được mục tiêu giảm tỉ lệ hút thuốc lá ở nam giới xuống còn 39% vào năm 2020:
"Chúng ta cũng nhận thấy rằng mức độ giảm đó còn chưa được như mong muốn và nhiều nỗ lực còn phải tiếp tục thực hiện để đạt được mục tiêu của chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá. Đó là giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới xuống còn 39% vào năm 2020.
Để đạt được mục tiêu này, tổ chức y tế thế giới khuyến cáo 2 biện pháp ưu tiên đó là: tăng thuế thuốc lá với mức thuế áp dụng là 2.000 mỗi bao là tối thiểu, hoặc tối ưu là 5.000 mỗi bao thuốc lá. Biện pháp thứ 2 là tăng cường thực thi môi trường không thuốc lá ở Việt Nam. Với 2 biện pháp này, Việt Nm có thể sẽ đạt được mục tiêu đề ra".