Đại biểu HĐND TP Hà Nội "truy" đến cùng trách nhiệm lãnh đạo cấp huyện
Đại biểu (ĐB) Hoàng Thị Thúy Hằng (Thường Tín) nêu tình trạng vi phạm xây dựng đất nông nghiệp, trang trại chưa được xử lý dứt điểm, có chiều hướng gia tăng như ở Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn... Bà Hằng đề nghị Sở Xây dựng và các quận huyện có tình trạng vi phạm nêu rõ nguyên nhân và trách nhiệm cụ thể trong công tác quản lý.
Cũng liên quan đến lĩnh vực đất đai, ĐB Nguyễn Hoài Nam (Trưởng Ban Pháp chế- HĐND TP) cho rằng, đằng sau vi phạm đất nông nghiệp, đất công còn có biến tướng dồn điền đổi thửa đang biến thành khu sinh thái, nhà vườn, biệt thự… Để giải quyết việc này văn bản quy phạm pháp luật đã rõ, sự chỉ đạo của Thành phố đã rất quyết liệt nhưng vẫn tồn tại, trong tồn tại đó có nguyên nhân con người. Ông Nam đề nghị TP cho biết nguyên nhân.
Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Phạm Văn Châm trả lời chất vấn. |
Chủ tịch huyện Đông Anh xin rút kinh nghiệm
Trả lời chất vấn về vi phạm trật tự xây dựng tại địa phương, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Phạm Văn Châm cho biết, do những nguyên nhân trong quá trình phát triển cùng với việc quản lý nhà nước ở một số thôn xóm còn yếu kém dẫn đến những vi phạm. Có thời điểm, chính quyền buông lỏng quản lý, khi phát hiện sai phạm thì không xử lý dứt điểm.
Liên quan đến 2 vụ việc vi phạm trên địa bàn huyện Đông Anh, ông Châm thông tin: Tại khu vực Hải Bối, từ khi xây dựng cầu Thăng Long quá trình đô thị hoá ngày càng nhanh, một số mặt bằng sản xuất nông nghiệp khó khăn cộng với một số dải đất xen kẹt chính quyền quản lý không chặt chẽ; hơn nữa tại khu vực này do lịch sử để lại có tình trạng đội ngũ cán bộ một số thời kỳ yếu kém, đã có trường hợp phải xử lý hình sự cả bí thư, chủ tịch và một số cán bộ chuyên môn nên các vi phạm chưa được xử lý kịp thời.
Đối với vụ việc tại Nguyên Khê, đây là khu đất giữa Sóc Sơn và Đông Anh, huyện Đông Anh đã chỉ đạo xã củng cố hồ sơ để xử lý nhưng chưa triệt để. Nguyên nhân là do lúc đầu "lùng nhùng" việc công dân của Sóc Sơn nhưng lại trên địa bàn Đông Anh. Hiện huyện Đông Anh đã củng cố hồ sơ xử lý, khi ra quyết định cưỡng chế chủ hộ có đơn cam kết xin tự tháo dỡ trước 30/6, tuy nhiên mới dỡ được mái của 1 xưởng. Huyện đã chỉ đạo thị xã rà soát toàn bộ phương án cưỡng chế và xã cam kết không xong sẽ chịu trách nhiệm.
Theo ông Châm, những vụ việc nêu trên đã xác định được trách nhiệm nơi trực tiếp để xảy ra vi phạm là thuộc về cơ quan cơ sở, cán bộ chuyên môn. Trách nhiệm của cấp huyện là trong chỉ đạo, đôn đốc, quản lý. Ông Châm xin rút kinh nghiệm để xử lý trong 6 tháng cuối năm.
Chưa hài lòng với câu trả lời trên, ĐB Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Đô thị HĐND TP đặt câu hỏi: Bao giờ vi phạm được xử lý triệt để?
Ông Phạm Văn Châm cho biết, các vi phạm cũ đã khoanh lại không cho tái diễn, tiến tới triệt tiêu. Với vi phạm ở Nguyên Khê, đến 15/7 sẽ xử lý xong, còn ở xã Hải Bối do tích tụ từ trước năm 2000 nên huyện sẽ vừa thanh tra vừa tập trung xử lý để trong 6 tháng cuối năm xử lý cơ bản, lập lại kỷ cương khu vực.
Chủ tịch huyện Mê Linh nhận trách nhiệm
Trả lời những câu hỏi thuộc địa bàn quản lý, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho rằng, nguyên nhân vi phạm trên địa bàn là do việc tuyên truyền từ huyện xuống xã chưa sâu, chưa quyết liệt. Theo số liệu thanh tra Xây dựng huyện thống kê được 59 công trình vi phạm. Các công trình vi phạm nằm rải rác ở 16 xã, thị trấn. Chủ yếu là vi phạm xây tường bảo vệ ruộng, lều lán trông coi rau mùa …
“Trong 59 công trình này thì từ 6 tháng đầu năm chúng tôi đã giải quyết 38 công trình, trong đó 30 công trình người dân tự tháo dỡ và 8 hộ xử lý cưỡng chế trong 2-3 ngày. Trong 21 hộ đang xử lý, việc làm nhà trên đất ruộng có 7 hộ và đang được tạm dừng. Việc xây trái phép trong quá trình dồn điền đổi thửa là có xảy ra và chúng tôi sẽ ngăn ngặn kịp thời, hỗ trợ người dân làm theo đúng quy định” – lãnh đạo huyện Mê Linh cho biết.
Trước câu trả lời của Chủ tịch huyện Mê Linh, ĐB Nguyên Quân cho rằng “trả lời của Chủ tịch huyện Mê Linh vẫn nặng về giải trình, còn giải pháp và nguyên nhân, trách nhiệm khi để xảy ra những trường hợp trên chưa được đề cập”.
Về ý kiến này, ông Trọng cho biết: "Việc để xảy ra là trách nhiệm của chúng tôi khi công tác tuyên truyền chưa tốt. 21 hộ còn vi phạm đều thuộc năm 2017 còn các trường hợp từ năm 2016 đã được xử lý. Như tôi đã nói, 21 hộ này có 7 hộ nằm trong vùng quy hoạch chuyển đổi và sẽ hỗ trợ về đề án để họ được xây dựng đúng quy định". Ngoài ra, ông Trọng cũng khẳng định sẽ chấn chỉnh nghiêm túc và có những chuyên đề quản lý đất đai.
Kết luận phiên làm việc buổi sáng, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận xét, các nhóm vấn đề lựa chọn trong phiên làm việc hôm nay đã được chất vấn, tái chất vấn trong nhiều kỳ, có sự chuyển biến tích cực ở một số lĩnh vực nhưng vẫn chưa đạt được yêu cầu của cử tri. Đặc biệt còn gia tăng một số lĩnh vực như vi phạm trật tư đô thị. Mục đích của phiên họp còn nhằm phân tích để xem xét tiến độ, trách nhiệm và giải pháp cho các công tác trên địa bàn TP. Trong đó, dù có thành quả nhất định, tiến độ và chất lượng một số lĩnh vực còn cần đôn đốc. Chủ tịch HĐND TP đề nghị UBND TP Hà Nội dựa trên các kết luận của HĐND, các giám sát… để phân công, phân trách nhiệm, tăng cường rà soát, có các biện pháp tích cực hơn cho các vấn đề.