Đà Nẵng: Vì một chữ của tòa, "tắc" luôn vụ kiện kéo dài 20 năm!
Như tin đã đưa, ngày 17/4, Thường trực HĐND TP Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị giám sát giữa hai kỳ họp thứ 12 – 13 của HĐND TP khóa VIII (nhiệm kỳ 2011 – 2016). Một trong những nội dung chính của hội nghị là giám sát kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
![]() |
Đại biểu HĐND TP Đà Nẵng Trần Văn Huy (nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê) phát biểu tại hội nghị giám sát của HĐND TP ngày 17/4 (Ảnh: HC) |
Tại đây, trên tinh thần “nêu một số vụ việc cụ thể để qua đó giải quyết được cái chung tốt nhất”, đại biểu Trần Văn Huy (nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê) thuật lại một sự việc kéo dài hơn 20 năm mà ông từng hai lần trực tiếp đứng ra giải quyết nhưng vẫn không thành dù đã mời hai bên tranh chấp lên động viên, thuyết phục “hết hơi”!
Đó là trường hợp của ông Lê Diện và bà Nguyễn Thị Gái ở phường Xuân Hà. Do hoàn cảnh khó khăn nên ông Lê Diện bán bớt một phần ngôi nhà gia đình ông đang ở cho bà Nguyễn Thị Gái. Sau khi bán, gia đình ông Lê Diện chỉ có một cửa ra vào đi ngang qua hành lang của phần nhà dưới đã bán cho bà Nguyễn Thị Gái.
Đáng nói là giấy tờ mua bán nhà không ghi phải “châm” (đóng) cái cửa này lại. Bà Nguyễn Thị Gái khiếu nại đòi ông Lê Diện phải “châm” cái cửa đó và theo ông Trần Văn Huy thì “châm” là đúng. Nhưng ông Lê Diện sau khi bán phần nhà dưới, còn lại phần nhà trên thì chỉ có một cửa duy nhất để ra vào như nêu trên.
“Chúng tôi đề nghị bà Nguyễn Thị Gái kiện ra tòa để có căn cứ pháp lý của tòa mà xử lý. Nhưng lên tới phúc thẩm rồi, có căn cứ pháp lý của tòa rồi vẫn không xử lý được. Bởi tòa phúc thẩm tuyên ba điều, trong đó có một điều mà khi đọc tôi thấy rất khó xử. Đó là tòa tuyên rằng “ông Lê Diện phải tự châm cửa nhà mình lại”.
Chữ “phải” là mệnh lệnh, nhưng chữ “tự” là tự nguyện. Không xử lý được. “Phải châm cửa lại” thì được, còn “phải tự châm cửa lại” thì không xử lý được. Chỉ vì một chữ đó thôi mà nó làm tồn đọng tờ đơn khiếu nại đến bây giờ là lần thứ 21. Đơn khiếu kiện khẩn cấp lần thứ 21 rồi!” – ông Trần Văn Huy thuật lại và cho biết đã mời ông Lê Diện lên động viên thế này, thế kia.
"Thậm chí tôi đặt vấn đề tự bỏ tiền túi để giúp ông Lê Diện đóng cái cửa cũ, mở cái cửa mới. Không bao nhiêu viên gạch, không bao nhiêu xi măng lắm, tôi sẵn sàng hỗ trợ để ổng làm. Lần đầu ổng đồng ý rồi, nhưng bước ra khỏi cổng UBND quận là có “thầy dùi” dẫn đi cà phê, cà pháo liền, bảo cứ để như vậy cho người ta kiện!” – ông Trần Văn Huy báo cáo với ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP và ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.
Ông bức xúc nói thêm: “Đến bây giờ vẫn không xử lý được việc này, vì tòa tuyên rồi, nhưng “phải tự” là không làm được. Tôi với tư cách Trưởng Ban thi hành án dân sự quận Thanh Khê mời Thi hành án dân sự quận lên nhưng báo cáo với các anh là họ bảo cái này họ không làm được, không thể cưỡng chế châm cái cửa này được.
Cơ quan thi hành án chậm lại, gia đình ông Lê Diện không có cửa ra thì ai chịu trách nhiệm? Còn ở trong đó thì ổng phải tự đập để mở cửa mới chứ mình đập nhà ổng thì ổng kiện. Không mở được cửa mới, cũng không châm được cửa cũ. Theo một trong ba điều mà tòa phúc thẩm nhân danh nước CHXHCN Việt Nam để tuyên là ổng “phải tự” châm cửa nhà mình lại. Ổng không tự châm, thế là huề cả làng và việc tranh chấp tiếp tục kéo dài hai mươi mấy năm nay!”.
Theo ông Trần Văn Huy, hội nghị giám sát của HĐND TP không phải là nơi xử lý vụ việc này, nhưng ông đề nghị ông Huỳnh Đức Thơ với tư cách Chủ tịch Hội đồng thi hành án dân sự TP Đà Nẵng có thể làm “trung tâm” giải quyết chứ không thể đơn phương cơ quan thi hành án hay các bên đương sự tự xử lý.
“Bây giờ kiện đâu nữa? Phúc thẩm rồi, chỉ còn giám đốc thẩm thì người ta không đi nữa nhưng cứ để đó gửi đơn hoài. Tôi thấy việc đó không bình yên cho hai gia đình, nhất là hoàn cảnh cả hai đều rất khó khăn, trong khi vụ việc cứ treo lở lửng, dù đã có phán quyết của tòa rồi vẫn không cử lý được!” – ông Trần Văn Huy nói.
Từ vụ việc này, ông nhận định, những năm gần đây Thường trực HĐND, Thường trực UBND TP Đà Nẵng cũng như các sở, ban, ngành liên quan đã giải quyết những vấn đề liên quan đến khiếu nại, khiếu tố của công dân một cách tích cực, đặc biệt là đã giải quyết được nhiều trường hợp khiếu kiện, khiếu nại tồn đọng kéo dài một cách căn bản.
Tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp do một mặt việc giải quyết của cơ quan chức năng chưa thấu đáo, dứt khoát, mặt khác có một số trường hợp cá biệt vẫn còn thái độ quá cực đoan, đẩy tới tình trạng một số hộ dân vẫn còn nằm trong danh sách khiếu kiện kéo dài mà vụ việc nêu trên là một điển hình!