Đà Nẵng: Từ công viên Quách Thị Trang đến đường Quách Thị Trang
Ngày 4/12, Văn phòng HĐND TP Đà Nẵng cho biết vừa nhận được Tờ trình 9302/TTr-UBND của UBND TP Đà Nẵng đề nghị kỳ họp thứ 9 HĐND TP khóa IX (dự kiến diễn ra từ ngày 11 – 13/12) thông qua Đề án đặt, đổi tên đường và công trình công cộng trên địa bàn TP năm 2018.
Công viên Quách Thị Trang nay trở thành nơi hồ nước ô nhiễm ngay giữa trung tâm TP Đà Nẵng (Ảnh: HC) |
Theo đó, trong đợt này các quận, huyện và đơn vị liên quan đề xuất đặt tên cho gần 300 tuyến đường và công trình công cộng. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, tổ chức, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP và nhân dân, Hội đồng Tư vấn đặt, đổi tên đường và công trình công cộng TP Đà Nẵng đề nghị đặt, đổi tên cho 180 đường và 03 công trình công cộng.
Trong đó, đặt tên đường 179 tuyến; gồm 10 đường được đặt tiếp; 40 đường đặt theo tên nhân vật lịch sử; 02 đường đặt tên theo địa danh, sự kiện lịch sử; 01 đường đặt tên theo địa danh kết nghĩa; 119 đường đặt tên theo tên làng/xóm xưa kèm số; 07 đường đặt tên theo dự án. Điều chỉnh tên đường cho 01 tuyến. Đồng thời đặt tên cho 03 công trình.
Đáng chú ý, trong đợt này, Hội đồng Hội đồng Tư vấn đặt, đổi tên đường và công trình công cộng TP Đà Nẵng đề nghị đặt tên Quách Thị Trang cho đoạn đường dài 1.000m, rộng 7,5m, vỉa hè mỗi bên rộng 4m, có điểm đầu là đường 7,5m (chưa đặt tên), điểm cuối là đường 29/3 (tên đường dự kiến đặt đợt này) thuộc địa bàn quận Cẩm Lệ.
Chị Quách Thị Trang có pháp danh Diệu Nghiêm, quê ở làng Cổ Khúc, huyên Tiên Hưng (nay là xã Phong Châu, huyện Đông Hưng), tình Thái Bình. Năm 1954, gia đình chị vào sinh sống tại vùng Chí Hòa (TP Sài Gòn). Năm 1963, chị tích cực tham gia trong phong trào đấu tranh chống chế độ Mỹ - Diệm của các tầng lớp nhân dân, nhất là trong phong trào học sinh, sinh viên của TP Sài Gòn.
Ngày 25/8/1963, chị Quách Thị Trang có mặt trong đoàn sinh viên, học sinh biểu tình phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm. Cuộc biểu tình do Ủy ban chỉ đạo Học sinh liên trường chỉ đạo, nhằm chống lại quy định “thiết quân luật” của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa.
Đoàn biểu tình bị đàn áp dã man và chị Quách Thị Trang đã bị cảnh sát bắn chết tại Công viên Diên Hồng. Cái chết của chị đã tạo nên một làn sóng phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm khắp trong và ngoài nước.
Năm 1975, chị Quách Thị Trang được công nhận là Liệt sĩ và nơi chị ngã xuống cũng được chính thức mang tên Quảng trường Quách Thị Trang (TP.HCM). Tên chị cũng được đặt tên đường ở TP.HCM, TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), tỉnh Quảng Nam…
Trước năm 1975, tên chị Quách Thị Trang từng được đặt cho một công viên tại Đà Nẵng. Đó là công viên Công trường Quách Thị Trang nằm ở góc đường Hùng Vương – Phan Châu Trinh (nay là dự án Danang Center của Công ty CP địa ốc Vũ Châu Long).
Nơi đây, vào ngày 1/4/1966, khoảng 25.000 người đã tập trung tham dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Thư viện tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) được thành lập ngày 2/9/1975 tại địa điểm này. Nhà Văn hóa Lao động của Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) cũng được đặt tại đây...
Tuy nhiên từ sau năm 1975 thì cái tên Công trường Quách Thị Trang không còn. Mái đình được xây dựng tuyệt đẹp ở đây cũng bị phá dỡ. Tuy dù vậy, nơi đây vẫn là khu đất công cộng gần 8.000m2 với 3 mặt tiền đường Nguyễn Thị Minh Khai – Hùng Vương – Phan Châu Trinh, nhiều cây xanh cho người dân vui chơi, hóng mát, đọc sách, sinh hoạt văn hóa… cho đến khi bị xóa sổ hoàn toàn vào tháng 3/2008 bằng việc khởi công dự án Danang Center.
Sau 10 năm, dự án Trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao và căn hộ cao cấp cao 35 tầng với tổng mức đầu tư 125 triệu USD này vẫn chỉ là một hồ nước đọng khổng lồ ngay giữa trung tâm TP, lởm chởm cọc sắt, đầy rác và là nơi cho muỗi sinh sôi nảy nở, rất nguy hiểm đối với sức khỏe của người dân chung quanh khu vực, nhất là vào thời điểm dịch sốt xuất huyết có nguy cơ lây lan, bùng phát trên diện rộng ở Đà Nẵng như hiện nay.
Và như Infonet đã đưa tin, trước tình trạng bi đát của dự án Danang Center, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã quyết định thu hồi khu đất này để xây dựng công viên công cộng kết hợp bãi đỗ xe ngầm phía Tây nhà hát Trung Vương; đồng thời thu hồi 11.170m2 của dự án Viễn Đông Medirian để xây dựng khu vườn dạo phía Đông nhà hát Trưng Vương.
Việc Đà Nẵng tái đặt tên Quách Thị Trang cho một công trình công cộng trên địa bàn, do vậy, không chỉ là sự ghi nhận gương hy sinh của một người trẻ tuổi cho đất nước mà còn là sự nhắc nhở đối với TP này về việc lựa chọn và thực hiện các dự án!
Trong đợt này, Hội đồng Tư vấn đặt, đổi tên đường và công trình công cộng TP Đà Nẵng cũng đề nghị đặt tên nhạc sĩ La Hối (1920 – 1945, quê ở Hội An, Quảng Nam, tác giả ca khúc bất hủ “Xuân và Tuổi trẻ”) cho đoạn đường dài 830m, rộng 7,5m, vỉa hè mỗi bên 4m, có điểm đầu là đường 7,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường 29/3, thuộc địa bàn quận Cẩm Lệ. Nhà văn Phạm Duy Tốn (1883 – 1924), nhà thơ chân quê Nguyễn Bính (1918 – 1966), nhà thơ lãng mạn Bích Khê (19116 – 1946), nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp (1914 – 1938, tác giả bải Chùa Hương nổi tiếng), nữ thi sĩ Xuân Quỳnh (1942 – 1988), dịch giả Nguyễn Hiến Lê (1912 – 1984), “Ông Đồ” Vũ Đình Liên (1913 – 1996), nhạc sĩ Hoàng Hiệp (1931 – 2013), tướng tình báo huyền thoại Phạm Xuân Ẩn (1027 – 2006), nhà báo Trần Kim Xuyến (1921 – 1947), họa sĩ Diệp Minh Châu (1919 – 2002)… cũng được Đà Nẵng đề nghị đặt tên trong đợt này. |