Đà Nẵng tính đưa dân vào khách sạn tránh bão
Ngày 10/9, UBND TP Đà Nẵng đã họp với các sở, ngành địa phương bàn phương án phòng tránh và khắc phục hậu quả ứng với các kịch bản thiên tai trên địa bàn. Trong dự thảo (lần 3), Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão – Tìm kiếm cứu nạn (PCLB – TKCN) TP Đà Nẵng đã đưa ra các phương án theo các kịch bản: bão và bão mạnh, bão rất mạnh và siêu bão, lũ, lũ quét và trường hợp xảy ra tình trạng khẩn cấp về thảm họa (siêu bão, nước dâng, động đất, sóng thần...).
Cuộc họp bàn phương án phòng tránh và khắc phục hậu quả ứng với các kịch bản thiên tai trên địa bàn do UBND TP Đà Nẵng tổ chức ngày 10/9 (Ảnh: HC) |
Mục tiêu của phương án này là xây dựng kịch bản hoàn chỉnh cho từng tình huống, để khi xảy ra thiên tai thì ứng với từng tình huống mà các cấp, ngành, địa phương chủ động triển khai thực hiện trước, trong và sau sự cố thiên tai, giảm bớt việc họp hành và tránh sự chồng chéo, bị động.
Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Phạm Việt Hùng cho hay, qua kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các công trình, trụ sở nhà nước, doanh nghiệp, nhà tư nhân... theo đề xuất của các quận, huyện, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã xác định 484 công trình đủ điều kiện làm nơi sơ tán dân khi có bão, lũ, trong đó có 69 khách sạn (KS) tư nhân, gồm quận Sơn Trà 17 KS, quận Hải Châu 23 KS, quận Thanh Khê 12 KS, quận Ngũ Hành Sơn 17 KS.
“Khi xảy ra thiên tai, địch họa thì tất cả chúng ta đều phải dồn sức hướng dẫn và sơ tán người dân. Nên khi có bão lũ, sự cố đến cấp nào theo quy định thì tất nhiên chúng ta huy động các địa chỉ này. Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở VH-TT-DL đã vận động để có thể đưa người đến sơ tán dân, nhất là khu vực ven biển. Việc sơ tán dân tạm thời tại các KS là khả thi chứ không đến nỗi nào” – ông Phạm Việt Hùng nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Trần Thị Thanh Tâm, khi có bão cấp 14 – 15, số dân của quận cách bờ biển 600m phải sơ tán là 59.000 người, với siêu bão cấp 16 – 17 phải sơ tán dân cách bờ biển 1.000m thì lên tới 99.000 người. Với bão cấp 14 – 15, quận sẽ vận động dân tự sơ tán, còn lại khoảng 40.000 người sơ tán tập trung thì phải sử dụng các KS trên địa bàn mới đủ chỗ bố trí. Với siêu bão, quận cũng chỉ có thể bố trí 40.000 – 50.000 dân sơ tán, còn lại khoảng 40.000 – 50.000 phải nhờ TP sắp xếp chỗ để bố trí.
Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Trần Thị Thanh Tâm: “Số dân mà quận phải sơ tán lên đến 59.000 người với bão cấp 14 – 15 và 99.000 người với siêu bão cấp 16 – 17. Quận đã tính hết các nhà công sở trên địa bàn vẫn không đủ đáp ứng. Nếu không đưa vào các KS thì đề nghị các anh cho địa điểm để sơ tán mấy chục ngàn dân còn lại khi có bão lớn!” (Ảnh: HC) |
“Theo từng phương án, quận sẽ bố trí dân vào tất cả nhà công vụ, khi không còn chỗ mới đưa vào các KS. Khi lên phương án xong, được sự đồng ý của TP, quận sẽ chỉ đạo các phường mời các KS trên địa bàn lên thỏa thuận. Khi có tình huống xảy ra theo từng cấp bão sẽ đưa dân vào theo đúng cam kết với chủ KS” – bà Trần Thị Thanh Tâm cho hay.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thống nhất khi có bão từ cấp 11 trở lên thì phải sử dụng các KS mà Sở Xây dựng đã phê duyệt để đưa dân vào sơ tán; trừ một số trường hợp đặc biệt (chẳng hạn bão cấp 10 nhưng giật mạnh) thì UBND TP Đà Nẵng quyết định. Tuy nhiên ông cũng đề nghị các đại biểu dự họp bình luận thêm về vấn đề này.
Sẽ phát sinh nhiều hậu quả khó lường!
Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Phan Văn Chương, việc sơ tán dân vào các KS tránh bão lũ chỉ nên thực hiện khi gặp trường hợp bất khả kháng. Không thể quản lý hết khi sơ tán dân vào các KS đang kinh doanh nên sẽ phát sinh nhiều vấn đề khó lường. Cái chính là sơ tán dân vào các công sở, nhà dân kiên cố, còn KS thì nên hạn chế. Nếu huy động KS thì chỉ nên đưa dân vào các khu vực như nhà ăn, hành lang... chứ không nên đưa vào các buồng phòng vì sau đó việc khắc phục để tiếp tục kinh doanh sẽ rất phức tạp.
Ông Ngô Xuân Thắng, Ủy viên Thường trực HĐND TP Đà Nẵng cũng cho rằng cần hạn chế sơ tán dân vào các cơ sở kinh tế, đặc biệt là các KS. Ông cho biết, hồi xảy ra cơn bão Xangsane năm 2006, một số hộ dân đã được sơ tán vào khu nhà chung cư Nại Hiên Đông nhưng sau đó không chịu ra. Hiện còn 16 trường hợp không chịu thuê nhà chung cư mà cũng không chịu dời đi, cứ chiếm dụng ở 8 năm rồi không xử lý được. Thường trực HĐND TP Đà Nẵng vừa chỉ đạo Sở Xây dựng phải giải quyết dứt điểm vấn đề này.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết kết luận hội nghị (Ảnh: HC) |
Ông Ngô Xuân Thắng nhấn mạnh: “Việc đưa dân vào các KS tránh bão lũ rất dễ dẫn đến những hậu quả mà việc giải quyết rất phức tạp, nên cần phải tính toán, cân nhắc kỹ. Nếu cần thiết sử dụng KS thì chỉ nên chọn một số KS và thẩm quyền quyết định đưa dân vào đó sơ tán phải là Chủ tịch UBND TP. Phải là người đứng đầu TP chịu trách nhiệm đưa dân vào đó sơ tán, nếu có sự cố gì xảy ra thì cũng là người chịu trách nhiệm giải quyết”.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết nêu rõ, việc đưa dân vào KS tránh bão lũ là phù hợp với quy định của Luật Phòng chống thiên tai. Tuy nhiên qua các ý kiến góp ý, ông giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở NN-PTNT hoàn chỉnh các địa điểm sơ tán dân theo cự ly và cường độ bão để hướng dẫn các địa phương thực hiện. Riêng với các KS sẽ thực hiện khi có quyết định của Chủ tịch UBND TP.
Ông Phùng Tấn Viết cũng yêu cầu Thường trực Ban chỉ huy PCLB – TKCN TP trước ngày 20/9 hoàn thiện kịch bản sát đúng thực tiễn trên cơ sở tham khảo Luật Phòng chống thiên tai và thực tế công tác phòng chống bão lũ trên địa bàn thời gian qua, trong đó bổ sung thêm phương án nếu cùng lúc xảy ra cả bão và lũ, hoặc xảy ra “bão giá” khi có bão lũ, trình Thường trực UBND TP xem xét, xin ý kiến Thường trực HĐND TP để thống nhất chỉ đạo, sau đó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng sẽ ký quyết định ban hành. Phấn đấu kết thúc trong tháng 9 để triển khai ngay trước mùa mưa bão năm nay.
“Phương án này sẽ được xây dựng thành cuốn sổ tay, cuốn cẩm nang PCLB để triển khai xuống tới tận người dân, tới từng cơ quan, đơn vị nên phải dễ đọc, dễ hiểu, dễ triển khai thực hiện có hiệu quả nhưng cũng phải hết sức chặt chẽ, nếu để xảy ra sơ suất một tí sẽ ảnh hưởng đến tính mạng người dân. Đây là vấn đề liên quan đến dân nên rất phức tạp, nếu chúng ta làm không chuẩn, làm không kỹ thì có thể sẽ gây tác hại đến người dân, thậm chí tổn thương rất lớn!”.
(Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết)