Đà Nẵng: Tiếp nhận hiện vật quý về di tích thành Điện Hải
Đà Nẵng: Tiếp nhận hiện vật quý về di tích thành Điện Hải
Ông Bùi Văn Quang (trái) trao bức sắc phong "Thự thủ Thành Điện Hải" cho Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng - Ảnh: HC |
Đây là sắc phong giữ chức “Thự thủ thành Thành Điện Hải”- Cai đội làm nhiệm vụ cai quản binh lính trấn giữ thành Điện Hải vào năm Minh Mạng thứ 21. Bản sắc phong có hình chữ nhật, kích thước 80x40cm bằng giấy dó màu vàng nhạt, trang trí hình rồng, mây, hoa văn chấm phủ nhũ bạc.
Do phần mặt trước của bản sắc phong ghi tên vị quan được phong chức đã bị cắt mất nên vẫn chưa xác định được nhân vật. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà nghiên cứu thì đây là một trong những sắc phong có niên đại sớm lần đầu tiên được phát hiện có liên quan đến lịch sử thành Điện Hải, tiền đồn thay mặt cả nước nổ tiếng súng đầu tiên chống quân xâm lược Pháp vào năm 1858.
Dịch giả Hán - Nôm Ngô Văn Lại (Thái Trọng Lai, hiện ở phường Hoà Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng), một trong những người được Chính phủ mời tham gia dịch "Quốc sử quán triều Nguyễn" ra tiếng Việt, đã tạm dịch bản sắc phong “Thự thủ thành Thành Điện Hải", trong đó có phần nội dung mang đại ý:
Bức sắc phong "Thự thủ Thành Điện Hải" - Ảnh: HC |
- Năm Minh Mạng năm thứ 21 ngày 24-7…Nhân vật này là người có công trạng tham gia công việc (bảo vệ) thuộc đội nhất tiền vệ doanh “Thần cơ” nay được Bộ binh chuẩn cho ông ta giữ chức Thự Thủ thành Thành Điện Hải (điều khiển) biền binh (lính chiến đấu) của doanh ấy. Vâng lệnh thực hiện mọi công việc nếu để khiếm khuyết chức vụ sẽ không được khoan nhượng
Người phát hiện và hiến tặng bản sắc phong này cho Bảo tàng Đà Nẵng là ông Bùi Văn Quang, hội viên CLB UNESCO tại Nam Định chuyên sưu tầm, nghiên cứu cổ vật Việt Nam. Theo ông, giá trị của các cổ vật được xếp hạng theo thứ tự: "Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ sứ". Chữ và tranh, nhất là chữ Hán - Nôm, là những tư liệu rất quý về nhiều phương diện để nghiên cứu lịch sử, văn hoá của dân tộc.
Trong đó, châu bản của các triều thời Lê - Nguyễn, nhất là các sắc phong có nội hàm văn hoá đặc biệt, mang dấu ấn quyền uy của vương triều và là văn bản truyền mệnh lệnh của vua phong chức, khen thưởng người có công, phong thần, xếp hạng cho các vị thần được thờ cúng trong tín ngưỡng làng xã Việt Nam. Đặc biệt các bản sắc phong trung thực tuyệt đối về niên đại, địa danh, hệ thống hành chính và công lao của những nhân vật lịch sử. Các sắc phong còn là những cổ vật có giá trị cao do tính độc bản.
Các đạo sắc phong do vua ban đều được làm bằng giấy "long đằng" (loại giấy chỉ có vua được sử dụng, có hình rồng biểu tượng cho vua), đóng dấu "sắc mệnh chi bảo". Ở các bức sắc phong khác thường thấy hình rồng chầu chữ "Thọ" ở mặt trước, riêng bức sắc phong “Thự thủ thành Thành Điện Hải" có nét độc đáo là có hình rồng vờn mây ở hai bên...
Khách tham quan bức sắc phong "Thự thủ Thành Điện Hải" được trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng - Ảnh: HC |
Vua Minh Mạng ban sắc phong “Thự thủ thành Thành Điện Hải" năm Canh Tý (1840) cũng là thời điểm danh thần Nguyễn Công Trứ vào kiểm tra hệ thống phòng thủ của Đà Nẵng. Sau đó, theo đề nghị của ông về tăng cường phòng thủ cho thành Điện Hải, vua Minh Mạng đã điều động danh tướng Nguyễn Tri Phương lần đầu tiên vào làm tuần phủ Nam Nghĩa, trông coi bố phòng cửa biển Đà Nẵng. Đến năm 1858, Nguyễn Tri Phương được vua Tự Đức điều động vào Đà Nẵng lần thứ 2, làm Quân thủ tổng đốc đại thần trấn ải thành Điện Hải.
Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Hà Phước Mai nhấn mạnh: "Lâu nay chúng ta thường biết đến sắc phong thần của nhà vua ban tặng cho các đình làng, miếu mạo, chùa chiền nhưng rất hiếm gặp sắc phong tước. Có thể nói đây là hiện vật có giá trị rất lớn, là nguồn tư liệu quý trong việc nghiên cứu lịch sử di tích quốc gia Thành Điện Hải".
Nhân dịp này, Giám đốc Sở VH-TT-DL Đà Nẵng đã tặng giấy khen và tiền thưởng cho ông Bùi Văn Quang vì đã có công phát hiện, gìn giữ và hiến tặng cho Bảo tàng Đà Nẵng một hiện vật có giá trị lớn về di tích quốc gia Thành Điện Hải.
HẢI CHÂU