Đà Nẵng tiếp nhận Chương trình bảo tồn "Nữ hoàng linh trưởng" và sinh cảnh sống
Theo đó, chương trình sẽ được thực hiện trong năm 2017 với tổng giá trị tài trợ 25.000 USD (tương đương 565.000.000 VNĐ). Cơ quan tiếp nhận là Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Đà Nẵng; cơ quan thực hiện là Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet).
![]() |
Loài Voọc chà vá chân nâu được mệnh danh là "Nữ hoàng linh trưởng" tại bán đảo Sơn Trà(Ảnh do BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cung cấp) |
Mục tiêu chương trình là nghiên cứu, ước tính số lượng cá thể, mật độ và phân bố quần thể Voọc chà vá chân nâu, vốn được mệnh danh là "Nữ hoàng linh trưởng", ở bán đảo Sơn Trà, lập bản đồ vùng phân bố quan trọng của các loài thực vật là thức ăn chính của Voọc chà vá chân nâu, sự thay đổi theo mùa của các yếu tố vật hậu học tại các khu vực nghiên cứu.
Thực hiện chương trình giáo dục nâng cao nhận thức cho 400 em học sinh ở 4 trường cấp 2 của thành phố Đà Nẵng về giá trị đa dạng sinh học của Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Tổ chức Hội thảo và các chuyến đi thực địa cho cán bộ các cơ quan chức năng địa phương để tìm hiểu về giá trị của việc bảo vệ đa dạng sinh học ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, góp phần thúc đẩy công tác bảo tồn đa dạng sinh học hiệu quả hơn.
Đối với hoạt động nghiên cứu, ước tính mật độ quần thể và mô tả hiện trạng phân bố của quần thể Voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà. Tiến hành phỏng vấn người dân địa phương xung quanh khu vực bán đảo, kiểm lâm, và bộ đội đóng quân ở khu vực này để thu thập thông tin về các vùng phân bố của Voọc. Triển khai chương trình giám sát sự tăng trưởng của mật độ quần thể Voọc 3 tháng/lần trong năm. Nghiên cứu về mô hình tìm kiếm thức ăn của Voọc chà vá chân nâu: Các vùng thức ăn và sự thay đổi thức ăn theo mùa.
Đối với hoạt động giáo dục, thực hiện chương trình “Nhà khoa học trẻ” cho 400 học sinh ở 4 trường cấp 2 với gói thông tin bao gồm 7 bài học về đa dạng sinh học Sơn Trà gồm các bài về các loại khỉ, Voọc chà vá chân nâu, cu li, các loài chim, bò sát, và thú móng guốc. Thực hiện chương trình ngoại khóa ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà dành cho mỗi lớp 20 học sinh.
Đối với hoạt động bảo tồn, tổ chức hành trình “Tôi yêu Sơn Trà” đưa 350 sinh viên đến tham quan Sơn Trà mỗi chiều Chủ Nhật. Mỗi nhóm 15 sinh viên được mời tham gia thông qua quá trình tuyển chọn và phỏng vấn online và qua trang thông tin của Trung tâm. Cán bộ nghiên cứu của GreenViet sẽ chịu trách nhiệm hướng dẫn mỗi hành trình khoảng 3 giờ, bao gồm cả bài trình bày ở Trung tâm GreenViet để giáo dục người tham gia về các loài động thực vật hoang dã ở Sơn Trà, vai trò của chúng, và các quy định khi đi tham quan trong khu bảo tồn.
Bên cạnh đó còn có chương trình nâng cao nhận thức cho cán bộ nhà nước về giá trị của sinh cảnh Sơn Trà đối với Đà Nẵng dành cho 40 cán bộ cấp cao của TP, được tổ chức thành 4 đợt tham quan học tập. Hội thảo về bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà tổ chức vào ngày Đa dạng sinh học Thế giới 22/5 cho các cơ quan chức năng nhà nước tham gia thảo luận các chiến lược hiệu quả nhằm bảo tồn bền vững tài nguyên Sơn Trà.
Mong muốn của chương trình là đưa ra được kết quả ước tính số lượng cá thể, mật độ và phân bố quần thể Voọc chà vá chân nâu; đưa ra được bản đồ phân bố các vùng thức ăn quan trọng của quần thể Voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà nhằm lập kế hoạch bảo tồn.
400 học sinh cấp 2 tham gia chương trình giáo dục thiên nhiên; 350 sinh viên và thanh niên Đà Nẵng được nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học của Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà; Lực lượng chức năng được nâng cao nhận thức và năng lực trong việc bảo vệ quần thể Voọc chà vá chân nâu và đưa ra được các định hướng mang tính chiến lược cho kế hoạch bảo vệ loài này ở bán đảo Sơn Trà.