Đà Nẵng tập trung đầu tư phát triển mạnh kinh tế biển
Biển Đà Nẵng. |
Thành phố Đà Nẵng phải phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là du lịch, thương mại và phải xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố; nghiên cứu để phát triển mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, y tế, giáo dục chất lượng cao. Theo đó, cần đặc biệt chú ý đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho du lịch, dịch vụ; tạo được chuỗi liên kết, là hạt nhân trong chuỗi du lịch duyên hải miền Trung và hệ thống trung tâm du lịch lớn của cả nước.
Đó là chỉ đạo trong thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2017, Đà Nẵng được chọn là nơi tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017; đây là cơ hội để Thành phố quảng bá du lịch, phát triển thương mại, thu hút đầu tư..., nâng cao vị thế của Thành phố và cả nước với bạn bè quốc tế. Vì vậy, Thành phố Đà Nẵng cần có kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để làm tốt công tác chuẩn bị, đáp ứng đầy đủ yêu cầu phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 và khai thác thật tốt cơ hội của sự kiện lớn mang lại.
Đà Nẵng phải có một chiến lược tổng thể, nhất quán, có chiều sâu về quy hoạch phát triển thành phố, với tầm nhìn Đà Nẵng phải trở thành một thành phố thông minh, một trung tâm giao thương, trung tâm dịch vụ quốc tế, một điểm đến cho các nhà đầu tư, du khách, thu hút nhân tài...; một thành phố cạnh tranh với các thành phố lớn, đẹp của khu vực và thế giới như Singapore và Hồng Kông.
Mô hình phát triển mà Đà Nẵng lựa chọn, đòi hỏi phải là một thành phố mở cửa, hội nhập, thu hút và hội tụ nhân tài trong nước và quốc tế; cần quan tâm cả về quy mô dân số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số; hình thành một hệ sinh thái cho dịch vụ giáo dục, nghiên cứu phát triển và khởi nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Đà Nẵng tập trung phát triển mạnh doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp. Tiếp tục thu hút mạnh các dự án FDI công nghệ cao, công nghệ thông tin, thân thiện với môi trường; đồng thời tạo mọi thuận lợi để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Phấn đấu đạt 40 đến 45 nghìn doanh nghiệp vào năm 2020.
Đồng thời tập trung đầu tư phát triển mạnh kinh tế biển; theo đó, có giải pháp để hỗ trợ về tín dụng, đào tạo nghề cho ngư dân, phát triển nhanh cả về số lượng và công suất tàu cá để ngư dân khai thác vùng biển xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo, cải thiện và nâng cao đời sống, cùng các lực lượng chức năng gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Bên cạnh đó thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, các chế độ, chính sách xã hội đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội. Đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập gắn với từng bước cơ cấu lại ngân sách địa phương, phấn đấu giảm chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước để tăng chi cho đầu tư phát triển. Thành phố cần phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đề xuất chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm y tế, giáo dục, văn hóa chất lượng cao của Vùng.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu thành phố Đà Nẵng cần tiếp tục quan tâm và làm tốt hơn nữa công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo đó, bộ máy chính quyền các cấp từ Thành phố đến xã, phường phải nhiệt huyết, trách nhiệm, năng động; xây dựng nền hành chính kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ doanh nghiệp và người dân.