Đà Nẵng: Nguy cơ tái diễn nạn ăn xin
Đà Nẵng: Nguy cơ tái diễn nạn ăn xin
>> "Nói Đà Nẵng “cấm cửa” dân nhập cư là không chính xác"
>> Đà Nẵng bắt đầu "siết" việc nhập cư vào nội thành
![]() |
Nhiều năm nay, Đà Nẵng đã quyết liệt thực hiện mục tiêu "không có người lang thang xin ăn" - Ảnh: HC |
Thời gian gần đây, nhất là trong dịp trước, trong và sau Tết Nhâm Thìn, tình trạng ăn xin, bán hàng rong, lang thang đánh giày... tái bùng phát hết sức phức tạp tại một số khu vực trên địa bàn, nhiều nơi đã trở thành điểm nóng, gây cản trở giao thông, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.
Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng) cho biết, thực hiện mục tiêu “không có người lang thang xin ăn”, từ năm 2005 đến nay, Đà Nẵng đã phát hiện, thu gom gần 1.000 lượt đối tượng lang thang xin ăn. Trong đó khoảng 40% đưa về quản lý, nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng; còn lại khoảng 60% (chủ yếu đến từ các tỉnh TT - Huế, Quảng Bình, Thanh Hoá…) được đưa trở lại gia đình, địa phương.
![]() |
Nhưng gần đây đang có dấu hiệu bùng phát trở lại tình trạng người từ địa phương khác tới bán hàng rong bu bám, chèo kéo du khách rồi biến tướng xin ăn... - Ảnh: HC |
Tuy nhiên gần đây trên địa bàn có dấu hiệu bùng phát trở lại tình trạng người lang thang, bán hàng rong “biến tướng” ăn xin. Nấp dưới danh nghĩa đánh giày, bán sách báo, bán vé số dạo, hàng rong..., các đối tượng này lợi dụng nơi đông người, thường là các điểm dịch vụ ăn uống, giải khát, khu vui chơi, khu du lịch, nhà ga, bến xe, bệnh viện, chùa chiền, các trục đường chính…, vừa bán vừa xin, hoạt động rất tinh vi và di chuyển liên tục, gây phiền hà cho khách và khó khăn cho việc phát hiện, xử lý.
Phần lớn họ từ địa phương khác tới Đà Nẵng. Ban ngày đi bán dạo “kết hợp” xin ăn, tối về thuê phòng trọ hoặc ra các vùng ngoại thành để ngủ nhằm tránh bị các ngành chức năng và người dân phát hiện. Đặc biệt, tại các chùa lớn trên địa bàn TP có một số người già yếu, tàn tật hoặc giả tàn tật trà trộn với những người bán hàng rong trong khu vực các chùa để lợi dụng xin ăn.
Khi lực lượng chức năng đến thì họ lại chuyển sang bán nhang, vé số… nên rất khó tập trung, phân loại. Thêm vào đó, việc quản lý các nhà trọ, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng còn nhiều bất cập. Sự phối hợp của các tỉnh bạn trong công tác ngăn ngừa, giải quyết người lang thang xin ăn chưa chặt chẽ, có nơi sau khi tiếp nhận đối tượng về địa phương không có biện pháp quản lý, dẫn đến tình trạng tái diễn lang thang xin ăn ở địa bàn Đà Nẵng.
![]() |
hoặc lang thang bán báo, đánh giày, tụ tập gây cản trở lưu thông và mất mỹ quan đô thị - Ảnh: HC |
Trước tình hình đó, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Sở LĐ-TB-XH chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện và các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử phạt tại các điểm nóng về tình trạng xin tiền, bán hàng rong; đặc biệt tập trung ở các tuyến đường, khu vực cấm bán hàng rong, các tụ điểm văn hóa, xung quanh các cơ sở tôn giáo, trường học, bệnh viện, các khu du lịch…trên địa bàn thành phố. Định kỳ ngày mùng 1 hàng tháng báo cáo UBND TP tổng hợp kết quả kiểm tra, xử phạt, thu gom các đối tượng.
Nếu quận, huyện nào vẫn còn để xảy ra tình trạng ăn xin, bán hàng rong, lang thang đánh giày tại các tuyến phố, khu vực cấm sau khi diễn ra đợt cao điểm thì Chủ tịch UBND quận, huyện đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP.
HẢI CHÂU