Đà Nẵng: Lễ khởi công “siêu tiết kiệm” cho dự án giao thông hơn 720 tỉ đồng
Sau nhiều lần điều chỉnh thiết kế kỹ thuật, quy mô đầu tư…, đến sáng 29/3/2020, dự án “Cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý” cũng đã được Ban quản lý dự án (QLDA) Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng, đơn vị chủ đầu tư kiêm quản lý dự án và Liên danh nhà thầu chính thức khởi công xây dựng.
Khu vực tổ chức lễ khởi công ở đầu cầu phía Tây cầu Trần Thị Lý chỉ có một cổng chào đơn giản chứ không có sân khấu, cờ hoa như các lễ khởi công trước đây. (Ảnh: HC) |
Theo lệ thường, với một dự án có quy mô đầu tư gần 725 tỉ đồng, lại diễn ra đúng dịp kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng TP Đà Nẵng, có lẽ lễ khởi công này đã được diễn ra hoành tráng với hàng trăm quan khách tham dự cùng rất nhiều cờ, hoa, văn nghệ chào mừng; rồi hàng loạt những lời “có cánh” trong các bài phát biểu của các cấp lãnh đạo, BQL dự án, nhà thầu…
Tuy nhiên trao đổi với phóng viên trước đó một ngày, ông Lê Văn Lâm, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng đã cho biết: “Chúng tôi cân nhắc kỹ đến từng người tham dự lễ khởi công để đảm bảo đúng quy định về phòng chống dịch, không tập trung đông người, và phải thật tiết kiệm, không phô trương rình rang!”.
Quan khách đến tham dự lễ khởi công chỉ có chừng này người |
Quả thật, sáng nay (29/3), tại khu vực diễn ra lễ khởi công dự án chỉ có một cổng chào đơn giản với ít cờ phướn; không nhà bạt cũng chẳng sân khấu, ghế ngồi hay hoa chúc mừng… Đến tham dự và chứng kiến chỉ có Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Lê Văn Trung cùng vài cán bộ của BQL dự án, Liên danh nhà thầu; tổng cộng chừng chục người.
Các “nghi thức” cũng diễn ra hết sức nhanh chóng với đôi lời phát biểu của đại diện Liên danh Công ty CP Tập đoàn Cienco4 - Công ty CP xây dựng Xuân Quang - Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng - Công ty TNHH xây dựng Thành Phát thực hiện gói thầu xây lắp hạng mục giao thông, thoát nước (trị giá trên 500 tỉ đồng).
Phóng viên báo chí đến đưa tin cũng không "hùng hậu" như trước. |
Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Lê Văn Trung cũng chỉ nói đúng một câu với đại diện BQL dự án và Liên danh nhà thầu: “Khởi công rồi thì các anh phải khẩn trương xúc tiến công tác chuẩn bị và tập trung triển khai thi công, đảm bảo tiến độ hợp đồng 450 ngày, chớ không phải khởi công “lấy ngày” rồi để dự án kéo dài ra đó là không được!”.
Toàn bộ “lễ khởi công” chỉ gói gọn chừng 15 phút, đến mức một số phóng viên báo chí tuy đến “đúng giờ” là lúc 8h sáng nhưng cũng không kịp vì “buổi lễ” đã kết thúc. Thực sự, đây là một lễ khởi công “siêu tiết kiệm” cả về thời gian, nhân lực, vật lực, kinh phí… nhưng vẫn ghi được dấu mốc của dự án và bố cáo với lãnh đạo và nhân dân TP về việc dự án chính thức triển khai xây dựng, cũng như thời hạn phải hoàn thành!
Đại diện duy nhất cho lãnh đạo TP đến dự lễ khởi công, ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng chỉ phát biểu một câu ngắn gọn, súc tích và ý nghĩa. |
Trước đó, như Infonet đã đưa tin, sau nhiều "thăng trầm", sáng 25/3, Nhà máy nước Hòa Liên với vốn đầu tư gần 1.200 tỷ đồng cũng đã được chủ đầu tư kiêm điều hành dự án là Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng khởi công xây dựng giai đoạn 1, công suất 120.000m3/ngày đêm. Đây cũng được xem là sự kiện chào mừng kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng TP Đà Nẵng.
Tuy nhiên, theo tinh thần chung, lễ khởi công chỉ tổ chức đơn giản, với sự có mặt của BQLDA và nhà thầu, chủ yếu đảm bảo thủ tục để lãnh đạo và người dân TP biết dự án đã triển khai chứ không bày vẽ gì nhiều.
Ngay sau lễ khởi công, nhà thầu sẽ tập trung thi công tuyến đường sau lưng khu nhà hàng tiệc cưới nối vào đường Bạch Đằng nối dài |
Các lễ khởi công nêu trên sở dĩ diễn ra một cách “siêu tiết kiệm” rõ ràng là để cố gắng tránh tập trung đông người trong thời gian đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh. Nhìn ở góc độ tích cực, đây chính là dấu mốc để từ nay TP Đà Nẵng cũng như các cấp, ngành, địa phương, đơn vị khác thực hiện các “lễ khởi công” tiết kiệm và thực chất chứ không còn phô trương ồn ào như trước!
Đôi nét về dự án “Cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý” Dự án nhằm cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông và môi trường tại khu vực cụm nút, giảm tải các tuyến đường chính qua khu vực bờ Đông như nút giao đường Trần Phú, Nguyễn Văn Linh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, đặt biệt giảm thiểu ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm; Tạo nên một trục giao thông hoàn chỉnh kết nối với sân bay quốc tế Đà Nẵng và biển phía Đông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao công suất phục vụ của sân bay quốc tế Đà Nẵng và tổ chức giao thông mạng lưới đường đô thị cho khu vực trung tâm TP. Đây là dự án nhóm B, công trình giao thông cấp đặc biệt; cấp công trình độc lập trong dự án: Cầu, hầm, đường giao thông cấp II. Giải pháp thiết kế chủ đạo: a. Nút giao thông: - Nút giao đường 2 tháng 9 - Nguyễn Văn Trỗi - Trần Thị Lý: Tổ chức giao thông khác mức 3 tầng gồm tầng mặt đất bố trí đảo xuyến; tầng ngầm bố trí hầm; và tầng trên cùng bố trí cầu vượt. - Các nút giao khác: Tổ chức giao thông khác mức 2 tầng gồm tầng mặt đất bằng hình thức giao bằng tự điều chỉnh hoặc có bố trí đèn tín hiệu; tầng ngầm bố trí hầm. b. Cầu vượt: - Cầu vượt bố trí theo hướng đường 2 tháng 9 vượt qua đường Duy Tân. - Sơ đồ cầu : Cầu gồm 5 nhịp dầm hộp thép liên hợp bản bê tông cốt thép, bố trí liên tục theo sơ đồ Lnhịp = 30m +3 x 42m + 30m =191,4m. c. Phần hầm: - Tổng chiều dài tuyến hầm L=902,95m, bố trí trên đường Duy Tân, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý, trong đó: + Các đoạn hầm kín dài 331,0m; + Các đoạn hầm hở có khung giằng bằng bê tông cốt thép trên đỉnh hầm dài 281,76m; + Các đoạn hầm hở dạng chữ U dài 220,0m; + Tường chắn, gờ chắn dài 70,19m. d. Phần đường: - Đường gom hai bên cầu, hầm; đường dẫn đầu cầu, đầu hầm. - Đường sau Trung tâm Hội nghị tiệc cưới và đường Nguyễn Sơn Trà. 4. Tổng mức đầu tư của dự án: 723.433.000.000 đồng |