Đà Nẵng: Dự phóng mới từ Di tích quốc gia Thành Điện Hải
Xin ý kiến các chuyên gia đầu ngành
Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao (VH-TT) Đà Nẵng cho hay, đến nay dự án “Tu bổ, phục hồi và tôn tạo Di tích Thành Điện Hải” đã hoàn thành quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, đã được UBND TP Đà Nẵng ra Quyết định 1259/QĐ-UBND phê duyệt với diện tích 26.519m2. Việc công bố đồ án quy hoạch cho người dân trong vùng dự án và tiến hành bàn giao mốc giới đồ án quy hoạch trên thực địa cũng đã tiến hành xong.
Tại cuộc họp sáng 22/3, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ yêu cầu... (Ảnh: HC) |
Hiện dự án đã được bố trí vốn năm 2017 hơn 30 tỉ đồng để làm công tác chuẩn bị đầu tư và giải phóng mặt bằng. Dự kiến kinh phí đền bù khoảng 62 tỉ đồng, bố trí tái định cư cho các hộ dân tại Khu Xưởng in/Cục Chính trị ở đường Lý Tự Trọng, khu vực Thanh Sơn và một số nơi khác. Kinh phí xây dựng khu tái định cư cũng đã được bố trí để người dân sớm nhận được đất làm nhà và bàn giao mặt bằng nơi đanh sinh sống cho dự án Khu di tích Thành Điện Hải.
Giai đoạn 1 của dự án sẽ triển khai và hoàn thành trong 2 năm 2018 – 2019, gồm giải tỏa đền bù các hộ dân phía Tây thành Điện Hải, tu bổ, tôn tạo lại thành trong, thành ngoài và hào nước (cấp nước và giữ nước), cải tạo cảnh quan khuôn viên, bãi đỗ xe, hạ tầng kỹ thuật sân vườn phía ngoài... Cơ bản sau khi hoàn thành giai đoạn 1 sẽ trả lại nguyên vẹn hào và tường thành ngoài, đồng thời tôn tạo cảnh quan khu di tích với tổng mức đầu tư khoảng 98 tỉ đồng (trong đó chi phí đền bù khoảng 67 tỉ, chi phí xây dựng 18 tỉ và các chi phí khác).
Song song đó sẽ chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2 để triển khai và hoàn thành trong 2 năm 2019 – 2020. Hiện dữ liệu, nội dung các hạng mục công trình bên trong Khu di tích Thành Điện Hải trước đây chưa đầy đủ. Trong tháng 4/2017, Sở VH-TT Đà Nẵng sẽ nghiên cứu và tổ chức hội thảo, tọa đàm xin ý kiến các chuyên gia đầu ngành văn hóa để có đủ cơ sở pháp lý triển khai thực hiện. Sau khi đầy đủ cơ sở dữ liệu, Sở VH-TT sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị tư vấn lập hồ sơ đầu tư giai đoạn 2 (gồm các hạng mục trong Thành Điện Hải như đồn trú, kho lương, kho vũ khí, cột cờ, kỳ đài, các vọng gác...).
“Trên thực tế, có một số nơi khi phục hồi, tu bổ, tôn tạo di tích đã làm biến dạng di tích, gây ra những phản cảm, báo chí và dư luận xã hội lên tiếng. Do vậy, chúng tôi nghĩ giai đoạn 2 cần phải làm hết sức cẩn trọng, tổ chức các tọa đàm, hội thảo xin ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành, những người có kinh nghiệm trên lĩnh vực này!” – ông Huỳnh Văn Hùng nói. Đồng thời ông cho biết, dự kiến tháng 11/2017, Sở VH-TT sẽ trình hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận Thành Điện Hải là di tích lịch sử quốc gia hạng đặc biệt.
Tháng 6 hoàn thành giải tỏa mặt bằng, tháng 9 khởi công
Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, đến thời điểm này các vướng mắc lớn đối với Khu di tích Thành Điện Hải hầu như đã được tháo gỡ nên không có lý do gì để không đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Ông yêu cầu sớm tổ chức tọa đàm, hội thảo xin ý kiến các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế, nhất là Pháp, để có thể tiến hành giai đoạn 2 một cách tốt nhất. Đồng thời xúc tiến ngay việc lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng công nhận thành Điện Hải là Di tích lịch sử quốc gia hạng đặc biệt chứ không chờ đến cuối năm 2017.
“Phải chuẩn bị cho giai đoạn 2 ngay bây giờ, không để chậm. Trong hồ sơ đề nghị công nhận di tích quốc gia hạng đặc biệt nêu rõ Đà Nẵng quyết tâm khôi phục thành Điện Hải bằng các dự án, công việc, kinh phí đã và đang triển khai. Tôi nghĩ đó sẽ là một yếu tố nặng ký nữa để thành Điện Hải được công nhận di tích quốc gia hạng đặc biệt. Mà đặc biệt thật vì cả nước chỉ còn di tích này cho cả giai đoạn lịch sử kháng chiến chống Pháp từ năm 1858 chứ không chỉ là từ 1945. Cả một trang sử oai hùng như thế, giờ còn lại mỗi di tích này tiêu biểu. Vấn đề không phải là quy mô đủ lớn mà là ý nghĩa, tầm vóc to lớn của di tích, nên tôi nghĩ là xứng đáng để làm nhanh nhằm sớm được công nhận hạng đặc biệt!” – ông Huỳnh Đức Thơ nói.
Quy hoạch Khu di tích Thành Điện Hải khớp nối hài hòa với khu vực chung quanh tạo thành một tổng thể cảnh quan thống nhất, một điểm đến du lịch! (Ảnh: HC) |
Bên cạnh đó, ông Huỳnh Đức Thơ yêu cầu rút ngắn thủ tục liên quan như phê duyệt ranh giới, thu hồi đất, kiểm định, đo đạc, phê duyệt dự án... và đặc biệt là xây dựng nhanh khu tái định cư để có chỗ cho người dân di dời, bàn giao mặt bằng cho dự án. Ông nhấn mạnh: “Người dân ở lấn chiếm, xâm phạm vào di tích lịch sử của cha ông như thế thì làm sao sống được. Đất này không phù hợp để ở mà chỉ để làm di tích lịch sử thôi. Xương máu hàng ngàn nghĩa sĩ ngã xuống chỗ đó mà lấn chiếm xây dựng nhà cửa thì có ổn đâu. Nên phải nhanh chóng vận động bà con bàn giao mặt bằng, về nơi mới sinh sống cho yên tâm!”.
Theo ông, người dân rất mong muốn nhìn thấy di tích Thành Điện Hải được trả lại đầy đủ, trọn vẹn. Vì vậy ông giao Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn làm Tổng chỉ huy các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung triển khai nhanh dự án. Theo đó, trong tháng 6/2017 hoàn thành việc đền bù, giải tỏa mặt bằng, bố trí tái định cư, tháng 9 khởi công giai đoạn 1 của dự án để đến 2018 thấy được hình hài thành Điện Hải.
Những dự phóng từ di tích thành Điện Hải
Đáng chú ý, ông Huỳnh Đức Thơ yêu cầu không chỉ quy hoạch, xây dựng thành Điện Hải mà còn quy hoạch khớp nối di tích này hài hòa chung với cả khu vực rộng lớn từ Thư viện Đà Nẵng, trụ sở Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND TP Đà Nẵng trên đường Bạch Đằng (sắp tới sẽ được chuyển thành Bảo tàng Đà Nẵng), khuôn viên chung quanh Trung tâm Hành chính TP... thành một quảng trường văn hóa – lịch sử, một khuôn viên rộng đến mấy ha và thật đẹp giữa trung tâm TP mà người dân, du khách vào ra thoải mái.
Ông nhấn mạnh: “Dễ gì giữa trung tâm TP tìm được khuôn viên rộng lớn và đẹp như vậy. Đừng cắt khúc ra mà làm cho nó hòa quyện với nhau, trồng cây xanh, cổ thụ thật đẹp. Đây phải là nơi người dân, du khách có thể tiếp cận với cơ quan chính quyền và hưởng thụ các giá trị văn hóa. Họ đến đây sẽ có một công viên, quảng trường rộng lớn, trong đó có di tích lịch sử quốc gia hạng đặc biệt, có trung tâm hành chính đầu não của TP; có thể đi bộ, vãn cảnh, vào thăm di tích. Rồi ở đây sẽ diễn ra những sự kiện quy mô lớn giữa quảng trường rộng lớn này. Từ thành Điện Hải không có gì ngăn cách cả mà nhìn thẳng ra sông Hàn luôn!”.
Hoàn toàn tán thành định hướng này, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu Sở Xây dựng chỉ đạo Viện Quy hoạch nghiên cứu tổng thể cả khu vực để đưa các công trình riêng lẻ hiện nay vào một cảnh quan thống nhất, trình duyệt trong tháng 4/2017, làm cơ sở để thiết kế đô thị và đầu tư từng bước. Đồng thời cho lập thiết kế đô thị để người dân và các đơn vị khi sửa chữa, nâng cấp, xây dựng nhà cửa trong khu vực này phải tuân thủ các quy định về khoảng lùi, về thiết kế kiến trúc... phù hợp với cảnh quan chung.
“Đây sẽ trở thành một điểm đến du lịch. Không chỉ là những điểm đến riêng lẻ như bảo tàng hay di tích Thành Điện Hải mà toàn bộ khu vực này là một điểm đến. Người dân và du khách có thể tham quan Trung tâm Hành chính TP, tham quan Bảo tàng Đà Nẵng, di tích thành Điện Hải hoặc đứng giữa quảng trường ngắm quang cảnh chung quanh. Tất cả phải hòa chung trong một điểm đến. Năm 2017 chuẩn bị đầu tư phần cảnh quan này, đến 2018 bắt đầu làm để khớp nối vô luôn với di tích thành Điện Hải!” – ông Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.