Đà Nẵng cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng bền vững
Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đáp ứng yêu cầu phát triển, đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững.
Ngày 16/9, UBND TP. Đà Nẵng đã có buổi làm việc với Sở Du lịch về Đề án cơ cấu lại ngành du lịch đến 2025, định hướng 2030. Việc cơ cấu lại nhằm thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết 43 về phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng, trong đó có 3 trụ cột, mà du lịch là một trụ cột kinh tế chính.
Đà Nẵng cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng bền vững. Ảnh minh hoạ |
Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đáp ứng yêu cầu phát triển, đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Đến năm 2025, điều chỉnh lại cơ cấu du lịch thành phố theo 4 lĩnh vực cơ bản; phấn đấu đạt cơ cấu giữa thị trường quốc tế và nội địa (có lưu trú là 50%-50%, cơ cấu thị trường quốc tế là châu Âu-Bắc Mỹ là 20%, Đông Bắc Á là 57%, Đông Nam Á và Úc, NewZealand là 20% và các thị trường khác là 3%).
Đến năm 2030, thành phố hoàn thành việc cơ cấu lại du lịch Đà Nẵng. Về thị trường, đạt cơ cấu giữa thị trường quốc tế và nội địa có lưu trú là 45%-55%, cơ cấu thị trường quốc tế là châu Âu - Bắc Mỹ là 30%, Đông Bắc Á là 40%, Đông Nam Á và Úc, NewZealand là 25% và các thị trường khác là 5%.
Về sản phẩm du lịch, Đà Nẵng hướng tới sản phẩm chất lượng cao như nhóm sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, bổ sung thêm dịch vụ cho phân khúc khách có khả năng chi trả cao; nhóm sản phẩm du lịch tham quan nhằm đáp ứng nhu cầu phổ biến từ bình dân đến cao cấp; phát triển nhóm sản phẩm du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị); nhóm sản phẩm dịch vụ vui chơi giải trí, lễ hội và sự kiện văn hóa; nhóm sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm; nhóm sản phẩm du lịch, mua sắm và vui chơi giải trí về đêm...
Để bảo đảm việc cơ cấu lại thành công, Đà Nẵng cần có những giải pháp tổng thể, như đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, tạo thuận lợi về điều kiện tiếp cận và đi lại cho du khách, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn các điểm đến, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp du lịch, tăng cường liên kết phát triển...
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho rằng, du lịch có vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của thành phố. Thành phố luôn xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, do đó cần có những điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình thực tế.
Covid-19 vừa rủi ro nhưng cũng là cơ hội, điều kiện để quảng bá, khẳng định Đà Nẵng đã làm tốt công tác dập dịch, tạo được sự đồng thuận giữa Nhà nước và nhân dân. Khách du lịch đến Đà Nẵng được bảo vệ, hỗ trợ về tới địa phương an toàn. Tình hình an ninh, trật tự xã hội, đời sống của người dân tuy gặp khó khăn nhưng không ai bị bỏ lại phía sau.
“Từ nay tới cuối năm 2020, nếu biết cách khai thác và quảng bá, hy vọng sẽ thu hút được lượng khách đủ để các doanh nghiệp du lịch hồi sinh lại”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh.
Góp ý về đề án, ông Bùi Thanh Thuận, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho rằng cần quan tâm hơn đến giao thông đường thủy như cảng biển du lịch, du lịch đường thủy nội địa.
Còn ông Lê Đức Viên, Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng, du lịch Đà Nẵng phải hướng tới sự phát triển bền vững; tức là phải đứng trên 3 trụ cột, bền vững về kinh tế, đóng góp về ngân sách; giải quyết việc làm và lan tỏa tới các ngành khác; vừa khai thác tài nguyên vừa giữ gìn môi trường. Bên cạnh đó, hiện Đà Nẵng đang thiếu vắng cảng biển du lịch chuyên biệt, vì vậy thành phố cần sớm bổ sung đầu tư cảng biển để thu hút dòng khách này. Ngoài ra, du lịch cộng đồng, sinh thái chưa được quan tâm nhiều, du lịch nghỉ dưỡng chữa bệnh chưa chuyên sâu. Thành phố cần tăng cường hơn nữa liên kết vùng để phát triển du lịch giữa Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.
PGS.TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch cho hay, ngoài thế mạnh về biển và tập trung khai thác ở vùng lõi trong thành phố thì Đà Nẵng vẫn đang thiếu các sản phẩm mới như sản phẩm chăm sóc sức khỏe, nhóm sản phẩm du lịch mua sắm, vui chơi giải trí về đêm, thành phố vẫn còn phụ thuộc vào một số thị trường khách quốc tế nhất định; cơ sở lưu trú tăng mạnh, vượt qua nhu cầu thực tế dẫn đến dư thừa lượng phòng…
Vì thế, cần có những giải pháp mang tính tổng thể gắn với phát triển du lịch trong từng giai đoạn như: đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, thu hút khách du lịch; đồng thời tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, bảo đảm an toàn, vệ sinh cho các điểm đến; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư và phân bổ hợp lý các nguồn lực phát triển du lịch; đầu tư cho đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch; tăng cường liên kết...
Diệu Thuỳ