Đã có thể thăm quan hầm tổng đài điện thoại K9 Đá Chông
Nơi từng là tuyệt mật
Nhắc tới K9 Đá Chông, mọi người đều biết đây từng là một địa danh lịch sử đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn làm căn cứ của Trung ương trong thời kháng chiến chống Mỹ.
Xét về vị trí địa lý, Đá Chông nằm trong hệ thống vùng đất đồi gò huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây cũ, nay là Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội khoảng gần 50 km theo đường chim bay. Theo trí tưởng tượng dân gian, khu vực này mang dáng dấp một con rồng, đầu đang cúi xuống uống nước sông Đà, u Rồng là đỉnh cao nhất của khu đồi.
Năm 1957, trong một lần thăm Sư đoàn 316 diễn tập bên sông Đà, Bác Hồ đã dừng chân ăn trưa tại nơi này. Theo lời kể của ông Vũ Kỳ, nguyên là thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Bác Hồ thấy đây là nơi sơn thủy hữu tình, dòng sông uốn khúc, cảnh vật tươi đẹp, gần dân mà xa đường quốc lộ. Với tầm nhìn của nhà chiến lược thiên tài, Người đã ngỏ ý với các đồng chí cùng đi xây dựng ở đây một nhà làm việc. Đặc biệt, Bác đã cắm cọc, nhắm hướng cho dựng một ngôi nhà chính làm nơi hội họp, nghỉ ngơi của Bác và Trung ương. Nhóm kiến trúc sư tài giỏi do đồng chí Hoàng Linh, Cục trưởng Cục Doanh trại phụ trách đã được giao vẽ thiết kế ngôi nhà trình lên Bác duyệt.
Năm 1960, Cục Doanh trại thuộc Tổng cục Hậu cần đã xây dựng một ngôi nhà sàn làm vị trí hội họp, nghỉ ngơi của Bác Hồ và Bộ Chính trị Trung ương Đảng. Xung quanh là hệ thống công sự kiên cố.
Cũng theo ông Vũ Kỳ, K9 là một trong 2 khu căn cứ được gọi là Nhà khách Trung ương. Đây là nơi dành cho các Hội nghị của Bộ Chính trị (còn khu nhà khách Trung ương ở Tam Đảo là nơi dành cho Hội nghị của Quân ủy Trung ương). Tại K9, Bác Hồ và các đồng chí trong Bộ Chính trị, những người bạn chiến đấu gần gũi nhất, những người học trò xuất sắc nhất đã đến làm việc và nghỉ ngơi. Nhiều vấn đề trọng đại của đất nước đã được bàn và quyết định ở đây.
Trải qua rất nhiều năm, khu K9 Đá Chông luôn được xem là một căn cứ bí mật để phục vụ Bác Hồ và lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Ngay cả những người đã phục vụ, đã từng công tác ở đó cũng không chia sẻ thông tin về căn cứ này với ai. Và ngay cả chính quyền địa phương trong thời kỳ kháng chiến cũng hoàn toàn không hề hay biết rằng ở địa phương mình có một khu vực đặc biệt như vậy.
Việc thăm quan khu di tích K9 Đá Chông đến gần đây vẫn không phải chuyện dễ dàng. Các đoàn thăm quan đều phải được Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cấp giấy giới thiệu thì mới được lên thăm.
Tuy nhiên, từ tháng 3/2016, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã phê duyệt chủ trương mở cửa cho toàn dân đến tham quan khu di tích K9 Đá Chông, không cần phải xin giấy giới thiệu như trước. Những hình ảnh, tư liệu, hiện vật về một thời lịch sử hào hùng tại K9 Đá Chông đã được ngày càng nhiều người dân dễ dàng tiếp cận để thấy trân quý hơn lịch sử truyền thống của dân tộc.
Địa chỉ đỏ của ngành Bưu điện
Theo nhiều tư liệu lịch sử trước đây, khu căn cứ K9 có 3 khu vực gồm: Khu A dành cho Bộ Chính trị họp và tiếp khách; khu B dành cho các đồng chí lãnh đạo nghỉ; khu C dành cho các đồng chí bảo vệ và phục vụ.
Tuy nhiên, những ngày gần đây, trong dịp đi tìm tư liệu để viết chuyên đề đặc biệt chào mừng Ngày truyền thống ngành TT&TT (28/8), Báo Bưu điện Việt Nam tình cờ biết được thông tin: tại K9 có một địa danh gắn bó mật thiết với hoạt động của ngành Bưu điện, tiền thân của ngành TT&TT ngày nay, đó chính là hầm tổng đài điện thoại K9.
Kết nối với Cục Bưu điện Trung ương, chúng tôi được biết rõ hơn về địa danh vàng này của ngành Bưu điện. Cụ thể, từ tháng 5/1967, Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ thị cho Cục Bưu điện Trung ương thiết lập tổng đài từ thạch 10 số loại 10.JCX để đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại khu K9 Đá Chông.
Tổng đài đã được thiết lập với 10 đường dây liên lạc (10 máy điện thoại) để phục vụ Bác Hồ và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong đó có: 1 máy cho phòng làm việc và phòng nghỉ của Bác Hồ; 3 máy cho các phòng thuộc khu nhà A, nơi dành cho các đồng chí lãnh đạo cấp cao các cơ quan Đảng và Nhà nước; 1 đường để kết nối với tổng đài của Cục Bưu điện Trung ương tại Hà Nội, từ đó kết nối đến các tỉnh, thành phố cần liên lạc (bí danh là cổng U8); 1 đường kết nối với tổng đài của huyện Bất Bạt, Hà Tây (nay là Hà Nội) để khi cần liên hệ với các cơ quan Đảng, chính quyền và công an huyện; 1 đường dành cho đơn vị bộ đội bảo vệ tại khu K9; 1 đường sang trạm A3 của Cục Bưu điện Trung ương trên địa phận huyện Thanh Thủy, Phú Thọ; 1 đường liên lạc với Đài phát tín B của Cục Bưu điện Trung ương sơ tán tại Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội).
Trao đổi thêm với Báo Bưu điện Việt Nam, ông Nguyễn Viết Khánh, Chánh Văn phòng Cục Bưu điện Trung ương cho biết: “Hầm tổng đài điện thoại K9 được xây dựng làm nơi dự phòng thông tin liên lạc khi xảy ra các tình huống nguy cấp như máy bay oanh tạc, hoặc nghi ngờ có địch... Tại K9 còn có một căn hầm khác nữa để phục vụ cho việc trú ẩn của Bộ Chính trị khi gặp nguy nan. Cả hai căn hầm này đều được xây dựng kiên cố, bê tông cốt thép rất vững chắc, cửa sắt rất dày, phía trên được ngụy trang rất tốt”.
“Có ba cán bộ của Cục Bưu điện Trung ương được giao nhiệm vụ phục vụ tại Tổng đài gồm: ông Nguyễn Văn Hanh quê ở huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái; ông Trần Xuân Đam quê ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên; ông Trần Giới Long quê ở TP. Nam Định. 3 cán bộ này đều được điều động bí mật bởi Trung ương Đảng, đã cùng chung một chiến hào sống và công tác như những chiến sĩ của đơn vị bộ đội bảo vệ K9, giữ bí mật tuyệt đối, đảm bảo thông tin thông suốt trong mọi tình huống. Sau khi Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại Hòa Bình ở Việt Nam được ký kết năm 1973, ba cán bộ của tổ tổng đài đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trở về Hà Nội công tác. Tổng đài điện thoại được giao lại cho đơn vị bộ đội bảo vệ tại khu vực K9 Đá Chông tháng 3/1973. Hiện hai cán bộ đã mất, chỉ còn lại duy nhất một người là ông Trần Giới Long, giờ đã cao niên”, ông Nguyễn Viết Khánh chia sẻ.
Đến tháng 9/2005, Cục Bưu điện Trung ương phối hợp với Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức trùng tu hầm đặt tổng đài, đặt bia di tích tại khu K9 Đá Chông, công trình được hoàn thành ngày 16/5/2006. Đến tháng 6/2016, công trình được trùng tu lần 2 và hoàn thành vào tháng 8/2016.
Tuy nhiên, những thông tin nêu trên về hầm tổng đài điện thoại K9 chỉ vừa mới được phát hiện và tổng hợp, hoàn thiện lại cách đây ít lâu. Trước đây, các đoàn thăm quan K9 chưa bao giờ được thăm và nghe thuyết minh về hầm tổng đài này.
Mới đây, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xuất nên đưa hầm tổng đài điện thoại K9 thành một điểm trong chuỗi các điểm thăm quan tại khu di tích lịch sử K9 Đá Chông. Dự kiến từ tháng 9/2016, người dân sẽ được thăm quan và nghe thuyết minh về di tích lịch sử đặc biệt này. Và sang năm 2017, khi K9 Đá Chông mở cửa đón cả du khách quốc tế, tại đây sẽ có hướng dẫn viên và bảng giới thiệu bằng tiếng Anh về điểm di tích.