Đã có hành lang pháp lý, cần hủy bản án sơ thẩm vụ kiện Vinasun - Grab?
Trước đó, ngay tại phiên xử, đại diện của Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) cấp cao tại TP.HCM cho rằng Grab không có hành vi trái pháp luật, không thể buộc Grab chịu trách nhiệm kinh doanh thua lỗ của Vinasun.
"Thực chất sự sụt giảm doanh thu lợi nhuận của Vinasun liên quan đến nhiều yếu tố khách quan và chủ quan như năng lực quản trị doanh nghiệp của Vinasun, chính sách pháp luật của nhà nước, tình hình thị trường, sự cạnh tranh của nhiều loại hình phương tiện kinh doanh vận tải hành khách khác, sự thay đổi nhu cầu của khách hàng..., nhưng chưa được đề cập đến trong kết luận giám định. Vì vậy Vinasun yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại là hoàn toàn không có căn cứ pháp luật", kháng nghị nêu.
Có đến 9 đơn vị cùng thí điểm, vì sao chỉ kiện Grab? Tính đến thời điểm tháng 5/2017 Bộ GTVT đã cho phép 9 đơn vị tham gia Quyết định 24 trong đó có cả Uber, Grab, Vinasun, Mai Linh... nên nếu có sai phạm nào như cáo buộc thì là sai của toàn bộ các đơn vị tham gia Đề án 24, không chỉ của một mình Grab. Vì vậy không thể buộc Grab bồi thường thiệt hại cho Vinasun.
Theo kết quả nghiên cứu của ABI Research, cập nhật đến 6 tháng đầu năm 2019, Grab có đến 73% thị phần gọi xe
Dù còn những phàn nàn về giá, song nhìn chung người tiêu dùng đánh giá Grab là dịch vụ đa năng, tiện lợi có nhiều ưu điểm như rất linh hoạt cho người đặt ở bất kì vị trí nào, người đặt xe nắm được lộ trình mình đi từ đâu tới đâu và người thân có thể theo dõi được, gọi xe nhanh và tài xế thân thiện...
Grab cũng là đơn vị ứng dụng gọi xe đầu tiên thực hiện việc xuất hóa đơn điện tử tại Việt Nam và chủ động phối hợp với cơ quan thuế trong việc truyền, quản lý dữ liệu chuyến đi của đối tác, khách hành tới cơ quan thuế như là một trong các biện pháp chống thất thu thuế.
Quá trình hoạt động của Grab đã đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước, cụ thể là hơn 440 tỉ trong năm 2018 (theo Thông báo số 195/ TB-CCT-KK, KTT&TH từ cơ quan quản lý thuế trực tiếp Grab - Chi cục Thuế Quận 10, TP.HCM), tăng hơn 232% so với 189 tỉ đồng trong năm 2017. Năm 2019 có thể là trên 500 tỷ tiền thuế.
Đã có hành lang pháp lý chính thức
Phán quyết của phiên xử sơ thẩm dù chỉ yêu cầu Grab bồi thường cho Vinasun 4,8 tỉ đồng - con số chỉ chiếm khoảng 1/10 so với đề xuất của nguyên đơn.
Tuy nhiên, phán quyết đó vẫn tạo cảm giác Grab taxi thua kiện trong khi không thể phủ nhận sự đổi mới mà hãng xe công nghệ này đem lại khi vào thị trường Việt Nam. Họ có thể coi là một doanh nghiệp tạo ra thị trường mới, khách hàng mới với sản phẩm, dịch vụ mới nhằm phục vụ tốt hơn cho người tiêu dùng. Dĩ nhiên, doanh nghiệp đó sẽ tạo nên một văn hóa tiêu dùng mới nhằm thay đổi hành vi tiêu dùng của các đối tượng khách hàng tại thị trường mục tiêu.
Chính vì thế, như Tiến sĩ Lương Hoài Nam từng nhận định, nếu Grab bị xử thua sẽ tạo ra án lệ hủy hoại “nhiều thứ tốt đẹp khác” và người tiêu dùng sẽ chính là người bị thiệt hại nhiều nhất.
Cuộc chiến không thỏa hiệp giữa Vinasun và Grab nảy sinh xét cho cùng cũng là do chưa có một cơ sở pháp lý đủ chặt chẽ để các bên tự soi chiếu. Trong khi Vinasun không ngừng gọi Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải, Grab lại một mực khẳng định họ chỉ là doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công nghệ. Vinasun cho rằng Grab phải bồi thường 41,2 tỉ đồng vì đã gây thiệt hại cho Vinasun nhưng hãng taxi truyền thống này lại không thể chứng minh được thiệt hại của mình là do duy nhất Grab gây ra…
Khi Nghị định 10 chính thức có hiệu lực, taxi truyền thống và xe công nghệ sẽ bước vào một sân chơi sòng phẳng. Đây có thể coi là hành lang pháp lý giải quyết mọi bất hòa giữa taxi truyền thống và xe công nghệ, cũng sẽ là hồi kết cho cuộc chiến dai dẳng giữa Vinasun và Grab kéo dài từ năm 2017 đến nay.
Theo luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP. HCM, có thể dễ dàng thấy rằng việc sụt giảm doanh thu, lợi nhuận của một doanh nghiệp là do nhiều yếu tố, do sự lựa chọn và quyết định của khách hàng khi có dịch vụ tốt hơn, đáng sử dụng hơn chứ không hẳn là hành vi vi phạm của bên nào. Vì thế, rất khó chứng minh, thậm chí là có khả năng không tồn tại quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật của Grab (nếu có) đối với thiệt hại (nếu có) của Vinasun. Do đó, rất khó có thể chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại của Vinasun.
Trên thực tế, lúc bấy giờ, Grab vào thị trường Việt Nam theo kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016). Là mô hình thí điểm và những điều luật đưa ra trong quyết định 24 dù sao vẫn còn mang tính thử nghiệm thăm dò, trước khi kiện toàn khung pháp lý. Đại diện VKS cũng đã đề xuất TANDTC kiến nghị Bộ GTVT và các cơ quan liên quan xây dựng lại khung pháp lý về loại hình kinh doanh vận tải, để đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng. Bởi vậy, cũng không có gì khó hiểu khi xảy ra kiện tụng giữa Vinasun và Grab dai dẳng suốt 3 năm qua.
Tuy nhiên mới đây, nghị định 10/2020 được ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày ¼ tới là hành lang pháp lý cho loại hình kinh doanh vận tải.
Theo nghị định này, những vấn đề Vinasun đưa ra để cáo buộc Grab cũng đã được luật hóa từ viêc phân định rõ giữa công ty vận tải và công ty công nghệ, gắn biển xe hợp đồng, taxi công nghệ… cho đến tính cước. Điều này cũng có nghĩa là, những xung đột giữa các hãng xe công nghệ như Grab và taxi truyền thống là do chưa có một sự phân định luật rõ ràng.
Từ đây, các hãng taxi truyền thống và xe công nghệ bước vào sân chơi phẳng, cạnh tranh sòng phẳng.
Sân chơi phẳng mở ra, chấm dứt những kiện tụng không đáng có
Theo luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn luật sư TP. HCM, với tình hình thực tế hiện nay, khi nghị định 10 có hiệu lực, xe công nghệ và taxi truyền thống sẽ bước vào một sân chơi cạnh tranh phẳng. Đại diện Vinasun cũng từng nói rằng, việc hãng taxi này kiện đòi Grab bồi thường không phải vì lợi ích của doanh nghiệp với khoản tiền họ đưa ra mà vì lợi ích quốc gia với mong muốn xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh.
Nghị định 10 ra đời sẽ đáp ứng mong muốn đó và đây là lúc các bên nên tìm cách cải thiện dịch vụ, nâng cao chất lượng để chuẩn bị cho cuộc đua mới thay vì chạy theo những cuộc kiện tụng dai dẳng không có hồi kết./.
Từ Minh Hoàng