Cứu "đại gia đi xe Phantom" như chơi dao hai lưỡi
Trao đổi với PV Infonet, các ý kiến của chuyên gia và chủ đầu tư dự án BĐS rất ủng hộ đề xuất trên, nhưng cũng kèm theo sự thận trọng.
Nhiều ý kiến lưu ý nếu khoanh nợ BĐS cần thận trọng, sàng lọc dự án cũng như doanh nghiệp. |
Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho hay: Doanh nghiệp BĐS đang rất khó khăn, nhiều đơn vị không trả nợ được dẫn đến phá sản. Đề xuất khoanh nợ cho doanh nghiệp BĐS sẽ giúp cho nhiều đơn vị có cơ hội vượt qua “căn bệnh” để sống sót. Theo ông, nếu doanh nghiệp BĐS mà chết thì cũng kéo theo cả ngân hàng cũng có thể lâm nguy.
“Chủ đầu tư bất động sản toàn đại gia, toàn đi xe Phantom thì giải cứu cái gì? Bất động sản phải giảm giá, thì chắc chắn sẽ tiêu thụ được”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói tại phiên họp của Chính phủ sáng 28/2.
Bộ trưởng Thăng, thẳng thắn cho rằng, ngọn nguồn của khó khăn trên thị trường bất động sản hiện nay là do giá nhà đất vẫn cao. Do đó, để tháo gỡ vướng mắc này, chỉ có giải pháp hữu hiệu nhất là các chủ đầu tư phải tiếp tục giảm giá.
Tuy nhiên, theo ông Đực, cần có tiêu chí cụ thể để khoanh nợ, không nên khoanh nợ tràn lan nếu không sẽ lại gia tăng tồn kho BĐS.
“Cần “chọn mặt gửi vàng”, phải biết phân biệt “bệnh nhân” để “cứu”. Cứu ai, cứu như thế nào cho hợp lý cũng là vấn đề cần quan tâm, nếu không sẽ dễ xảy ra tiêu cực.
Việc nào cũng có rủi ro, nếu ngân hàng khoanh nợ tràn lan, khoanh nợ cho những doanh nghiệp là người thân quen, ruột thịt… dễ gánh thêm nợ xấu, còn khoanh nợ với những doanh nghiệp, dự án tốt thì doanh nghiệp bán được hàng sẽ không chỉ trả được nợ cho ngân hàng mà còn giảm được lượng hàng tồn kho”, ông Đực lưu ý.
Bên cạnh đó, ông Đực cũng cho rằng, nhiều doanh nghiệp đều có chung ý kiến cần kéo lãi suất cho vay xuống mức 8-10% thì doanh nghiệp chịu đựng, tồn tại được, còn lãi suất cho vay ở mức 12-14% thì vẫn còn cao đối với doanh nghiệp trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay.
TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, đây là đề xuất tốt trong thời điểm hiện nay, nhưng quan trọng là các ngân hàng có chấp nhận hay không?
“Nhiều chủ đầu tư dự án BĐS hiện đang chờ thời cơ, tạm đình lại chờ thời vì cầu đang kém, khi nào thị trường ấm lên sẽ tiếp tục phát triển dự án. Vì thế, ngân hàng nhiều khi cũng phải “chịu đau”, đợi một vài năm để doanh nghiệp BĐS bán được hàng trả nợ cho mình còn hơn là để doanh nghiệp đó phá sản”, ông Liêm nói.
Ông Liêm cho rằng: Những dự án nợ là những dự án nhà ở cao cấp, còn những dự án giá thấp thì thanh khoản khá tốt. Vì thế, nên tập trung cho vay để phát triển những dự án nhà ở phổ cập, dành cho những người có thu nhập trung bình, họ có tiền để trả nhưng không đủ sức mua dự án cao cấp. Do vây, nếu phát triển mạnh những dự án trung bình thì nhu cầu đang rất lớn sẽ khiến thị trường tăng thanh khoản.