Cuộc sống cơ cực của người dân Syria trong dịch bệnh và chiến loạn
Người dân Syria đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng do dịch bệnh và chiến loạn tàn phá.
Theo báo cáo ngày 8/6 của phóng viên Tân Hoa Xã (Trung Quốc) thường trú tại Damacus (Syria), giá cả hàng tiêu dùng tại Syria đang tăng phi mã, chỉ trong một tuần qua, giá cả đã tăng đến 6 lần. Trong cuộc phỏng vấn của hãng Tân Hoa Xã, nhiều người Syria ở Damacus phàn nàn rằng, cuộc sống tại đây đang quá khó khăn đến mức không thể chịu được.
Nhiều người dân Syrira không dám bước vào cửa hàng do giá tăng chóng mặt. Nguồn: Xinhua. |
Giá cả thì tăng chóng mặt, trong khi đó dịch bệnh Covid-19 hoành hành ở Syria vẫn diễn biến phức tạp, tình hình đất nước này thì vẫn đang chìm trong khói lửa bởi chiến loạn. Thậm chí, nhiều người phụ nữ nội trợ giờ đây còn không đủ can đảm để bước vào cửa hàng và chỉ biết thở dài nhìn qua cửa sổ.
Sau khi dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ Syria đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau như giới nghiêm, đóng cửa chợ và cửa hàng để ngăn chặn và kiểm soát ổ dịch. Thị trường nội địa Syria sau đó đã xuất hiện hiện tượng đầu cơ tích trữ và đẩy giá lên cao. Gần đây, mặc dù Chính phủ Syria đã dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát và khuyến khích nối lại sản xuất, nhưng giá vẫn tiếp tục tăng mạnh.
Theo báo cáo, giá các mặt hàng tiêu dùng cơ bản như ngũ cốc ở Syria tiếp tục tăng kể từ tháng 3/2020. Đến tháng 5/2020, mức giá đã tăng trung bình khoảng 30% và sau khi bước vào tháng 6/2020, giá cả có dấu hiệu tăng không kiểm soát. Ví dụ như, bột mỳ là mặt hàng thiết yếu ở Syria, giá bán mỗi kg đã tăng từ 400 bảng Syria hồi đầu tháng 3/2020 lên 700 bảng Syria hiện tại, tăng tới 75% và vẫn đang tiếp tục tăng.
Đối mặt với giá cả tăng vọt, một số tiểu thương vui mừng, nhưng đa số doanh nghiệp thì lo lắng. Giá mua thay đổi quá nhanh, làm một số hộ kinh doanh tăng giá hàng hóa sáu lần một tuần, một số hộ kinh doanh khác thì đình chỉ việc bán một số mặt hàng do cân nhắc chi phí, và thậm chí đóng cửa.
Tiền Syria đang mất giá nghiêm trọng. Nguồn: Xinhua. |
Đa số các người dân được phỏng vấn đều cho rằng, nếu chính phủ không kiểm soát giá cả, cuộc sống của người dân sẽ khó có thể duy trì. Ở mức giá hiện tại, thu nhập của đại đa số người dân đều không đủ chi phi sinh hoạt chỉ một tuần. Trong khi đó, trước đây, mức chi phí này đủ để cho một gia đình 4 người chi tiêu trong một tháng.
Trong những năm gần đây, dưới áp lực kép của chiến tranh và phong tỏa kinh tế, tình hình kinh tế Syria ngày càng xấu đi. Đồng thời khi giá tăng, tiền tệ cũng mất giá đáng kể. Sự mất giá của đồng bảng Syria làm giảm thu nhập của người dân địa phương và sức mua của người dân.
Thủ tướng Syria Imad Hamis hôm 7/6 chỉ ra rằng, việc tăng cường các biện pháp trừng phạt từ bên ngoài, tình hình hỗn loạn ở các nước láng giềng và sự gia tăng nhu cầu đối với nguyên liệu thô nhập khẩu là những yếu tố chính cho sự mất giá gần đây của tiền tệ Syria. Chính phủ Syria sẽ điều tiết tỷ giá hối đoái thông qua các biện pháp như ổn định dự trữ ngoại hối và khuyến khích xuất khẩu.
Người dân Syria rời bỏ nhà cửa lánh nạn do lo ngại các cuộc xung đột ở Aleppo. Nguồn: Xinhua. |
Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế (ICRC) đã từng cảnh báo cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ có thể xảy ra tại Syria, tập trung vào khu vực Đông Bắc do tình trạng thiếu lương thực, nước sinh hoạt và các dịch vụ y tế. Người đứng đầu ICRC tại thành phố Hasakeh ở khu vực Đông Bắc Syria, ông Karim Mahmoud nhấn mạnh rằng: "Đối với hàng triệu người, chiến tranh kéo dài đã gây tình trạng thiếu nước, lương thực và thuốc men, nay tình trạng thiếu điện, suy thoái kinh tế cùng với tỷ lệ thất nghiệp và và giá tiêu dùng tăng cao càng làm gia tăng lo ngại".
Theo Giám đốc khu vực của ICRC, Fabrizio Carboni, trong bối cảnh thế giới đang tập trung vào việc kiểm soát dịch bệnh, nguy cơ các cuộc khủng hoảng tại khu vực này sẽ ngày càng trầm trọng hơn.
Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo Mark Lowcock cho biết cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo của Syria đang đứng trước thách thức to lớn. Theo thống kê của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo LHQ, hiện có hơn 11 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo ở Syria.
Đức Trí (lược dịch)