Cuộc đua sát ván, soán ngôi VietJet Air - Vietnam Airlines
Tuy nhiên, với kế hoạch tăng cường đội bay trong những năm sắp tới, bên cạnh việc tăng tần suất chuyến bay tại các đường bay hiện hữu, việc mở rộng khai thác các đường bay quốc tế sẽ là xu hướng tất yếu đối với các hãng hàng không này.
Xét về lượng khách trên các chặng bay quốc tế, năm 2016, ước tính Vietnam Airlines vận chuyển khoảng 8 triệu lượt khách, trong khi đối với VietJet Air là khoảng 1,9 triệu lượt khách. Con số trên bao gồm cả hành khách quốc tế và hành khách Việt Nam trên các chuyến bay quốc tế đi và về.
Xét riêng về khách quốc tế, theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam đã đón 10 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2016, 8,26 triệu trong số đó đến bằng đường hàng không. Trong số đó, lượng khách đến từ các nước Đông Bắc Á, đặc biệt là Trung Quốc vẫn dẫn đầu. Điều này giải thích cho việc số chuyến bay đặt riêng (charter flight) theo nhu cầu từ khách du lịch Trung Quốc mà VietJet Air thực hiện liên tục tăng từ năm 2013 đến nay.
Số lượt khách vận chuyển trên chuyến bay quốc tế với lượt khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không (triệu lượt) của Vietnam Airlines (HVN) và VietJet Air (VJC). Nguồn: VDSC. |
Xu hướng này nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục trong những năm sắp tới, đặc biệt là khi các hoạt động hợp tác du lịch Việt-Trung đang được xúc tiến khá mạnh trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, các chính sách miễn visa cho một số nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha) hay áp dụng thị thực điện tử cũng cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc thu hút khách quốc tế.
Mục tiêu của ngành du lịch trong năm 2017 là thu hút 11,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, và tăng lên 17-20 triệu lượt vào năm 2020. Dựa theo dữ liệu quá khứ, CTCK Rồng Việt (VDSC) dự báo khoảng 80% số đó sẽ sử dụng vận chuyển hàng không, tương đương 9,2 triệu lượt khách tiềm năng cho các hãng hàng không khai thác trong năm 2017.
Trên thị trường quốc tế, nhìn vào kế hoạch mở rộng đội bay của một số hãng hàng không giá rẻ trong khu vực, có thể thấy các hãng đang chiếm ưu thế với hàng chục, thậm chí hàng trăm máy bay các loại. Cụ thể, Air Asia (Malaysia) sở hữu 575 chiếc, Lion Air (Indonesia) sở hữu 482 chiếc, Cebu Pacific (Philipines) sở hữu 89 chiếc, Tiger Air (Singapore) sở hữu 88 chiếc, Citilink (Indonesia) sở hữu 25 chiếc, Nok Air (Thái Lan) sở hữu 13 chiếc.
Nhìn vào các con số trên có thể thấy được sự sôi động cũng như tiềm năng của thị trường Đông Nam Á trong tương lai. Điều này là cơ hội, vừa là thách thức đối với các hãng hàng không Việt Nam. Tại triển lãm hàng không Singapore AirShow năm 2013, VietJet thực hiện ký kết hợp đồng triển khai mua 100 tàu bay với hãng sản xuất máy bay danh tiếng Airbus đồng thời chỉ định BNP Paribas (Cộng hòa Pháp) là ngân hàng sẽ thu xếp tài chính cho đơn hàng mua tàu bay của hãng. Các hợp đồng hợp tác quan trọng, các chiến lược triển khai vững chắc liên tục được thực hiện cho thấy sự chuẩn bị chu đáo của VietJet trong định hướng phát triển, nâng cao tầm vóc của hàng không Việt trong tương lai. Tuy nhiên, theo giới thiệu trên website của VietJet Air về “đội bay sinh động nhất thế giới” cũng chỉ thấy hãng này có vỏn vẹn 22 tàu bay.
Nhìn chung, cuộc cạnh tranh hàng không vẫn chủ yếu là cuộc cạnh tranh về giá vé và mạng đường bay. Vì thế, kiểm soát chi phí để có mức giá hợp lý, và mở thêm các đường bay mới là một trong những ưu tiên hàng đầu của các hãng hàng không mới trong cuộc chiến dành thị phần. Về cơ bản, các hãng hàng không giá rẻ đương nhiên có lợi thế về giá so với các hãng truyền thống, nhưng mạng đường bay thì còn tùy thuộc từng hãng.
Giá vé bình quân một dặm bay của một số hãng hàng không năm 2012. Nguồn: VDSC. |
Mới đây, Sở GDCK thành phố Hồ Chí Minh đã chấp thuận cho VietJet Air niêm yết 300 triệu cổ phiếu với mã chứng khoán VJC. Cổ phiếu này sẽ chính thức giao dịch từ ngày 23/02 với giá tham chiếu phiên chào sàn là 88.800 đồng/cổ phiếu. Tại giá tham chiếu chào sàn, vốn hóa thị trường của VietJet Air là 26.640 tỷ đồng, tương đương 1,18 tỷ USD.
Gần đây, VietJet Air đã tổ chức họp cổ đông và thông qua phương án phát hành riêng lẻ 22.388.060 cổ phiếu, tương đương 7,46% cổ phần cho Cty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny với giá 84.600 đồng/cổ phần. Vietjet Air dự kiến thu về khoảng 1.894 tỷ đồng sau khi phát hành. Theo đó, vốn điều lệ của VietJet Air sẽ tăng từ 3.000 tỷ đồng lên 3.223,88 tỷ đồng. Vào tháng 12/2016, VietJet Air đã chào bán lần đầu 44,8 triệu cổ phần cho NĐT tổ chức. Sau lần chào bán này, Vietjet Air cũng đã chào bán 3,5 triệu cổ phiếu cho NĐT cá nhân với giá 86.400 đồng/cổ phần, tương đương 1,2 tỷ USD. Giá chào bán cho NĐT tổ chức là 84.400 đồng còn NĐT cá nhân là 86.400 đồng/cổ phần.
Năm 2016, VietJet Air ước đạt doanh thu thuần 7.000 tỷ đồng (tăng trưởng 36%) và lợi nhuận trước thuế là 2.300 tỷ đồng (tăng trưởng 92%). Năm 2017, VietJet Air ước đạt lợi nhuận trước thuế 3.000 tỷ đồng (tăng trưởng 30%).