Cuộc đời 31 năm của Steven Sotloff - nhà báo Mỹ bị IS hành quyết
Đam mê làm báo
Vào tháng 12-2012, trong vai trò một nhà báo tự do, Sotloff tới Ben-ga-di, Li-bi, để đưa tin về vụ tấn công vào lãnh sự quán Mỹ. Cũng trong tháng 12 năm đó, anh tới Bắc Syria, viết về cuộc sống của những người dân Syria mất nhà cửa và cuộc chiến ở nơi này. Những bài báo sống động của Sotloff vẫn còn đó, nhưng anh đã vĩnh biệt thế giới này, cho dù người mẹ đau khổ của anh, bà Shirley Sotloff, thực hiện một đoạn băng video cầu xin thủ lĩnh của nhóm khủng bố IS cho anh được sống.
Sotloff bị những kẻ khủng bố bắt cóc vào tháng 8-2013, khi lái xe từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ sang Syria. Sotloff chỉ mới xuất hiện gần đây trong đoạn video IS hành hình đồng nghiệp của anh là James Foley. Nhóm phiến quân hôm 2-9 vừa rồi đã công bố đoạn video man rợ cảnh hành quyết nhà báo này.
Đồng nghiệp và những người quen biết nói rằng, Sotloff là một người nhân hậu, rất yêu nghề báo và bị thu hút đặc biệt bởi những thay đổi đang diễn ra ở Trung Đông. Anh cũng nổi tiếng bởi cách tiếp cận tình hình Trung Đông theo lối viết hài hước và được bạn bè, người thân mô tả là người dũng cảm, vui tính. Anh quyết tâm kể những câu chuyện về vùng đất này từ góc nhìn của những người dân bình thường thay vì từ chiến trường. “Với tôi, cậu ấy là người rất tốt… Cậu ấy không muốn theo đuổi những cái tít gây sốc, không muốn thổi phồng những gì có trên thực tế”, biên tập viên James Denton của tờ World Affairs Journal có trụ sở ở Washington mô tả.
Lớn lên ở Nam Floriđa, Sotloff học trung học tại trường Kimball Union ở bang Niu Ham-sai. Thầy cô và bạn bè ở ngôi trường tư này miêu tả Sotloff là một học sinh năng động, tốt bụng và có niềm đam mê báo chí. Tốt nghiệp trung học, Sotloff học chuyên ngành báo chí tại Đại học Central Florida (UCF) năm 2002. Hai năm sau, Sotloff bỏ học và trở lại thành phố Mai-a-mi, bang Floria. Lúc đó Sotloff bắt đầu nghĩ tới việc đến Trung Đông.
Sotloff bắt đầu học tiếng A-rập và theo đuổi nghề viết như một nhà báo tự do. Với hiểu biết sâu sắc về lịch sử và văn hóa Trung Đông, Sotloff tự nhận là “triết gia tích cực từ Mai-a-mi”, từng viết bài cho các tạp chí như: Time, Christian Science Monitor, Foreign Policy và World Affairs Journal. Những chuyến đi của Sotloff đã đưa anh tới Y-ê-men, A-rập Xê-út, Ca-ta, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria cùng nhiều quốc gia khác.
"Những người dân A-lép-pô đang bị mắc kẹt trong bế tắc bạo lực. Họ phải chịu đựng một cuộc chiến với sự đau đớn và khó khăn gia tăng mỗi ngày. Người dân A-lép-pô lo sợ rằng, họ là những quân tốt trong một cuộc chiến tranh không bao giờ kết thúc". Đó là những câu mở đầu trong bài phóng sự Sotloff gửi tạp chí Foreign Policy từ thành phố A-lép-pô, Syria vào ngày 24-12-2012. Gần hai năm sau, cuộc chiến tàn khốc tại Syria vẫn chưa có dấu hiệu đến hồi kết. Nhưng giờ đây, một trong số ít các nhà báo đưa thông tin về nó đến với thế giới đã bị sát hại.
Trước khi bị bắt cóc ở miền bắc Syria vào năm 2013, Sotloff đã dành hai năm đưa tin về làn sóng các cuộc nổi dậy và biểu tình tại các quốc gia ở A-rập cùng hệ quả của nó. Anh đã mạo hiểm mạng sống của mình để đưa tin từ Ba-ranh, Ai Cập, Li-bi, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Phóng sự của anh ghi lại một cách rõ ràng và xác thực những biến động ở Trung Đông trong những năm gần đây, từ đỉnh điểm của Mùa xuân A-rập, những đường lối chuyển đổi chính trị quanh co, và nỗi thống khổ của người dân trong các cuộc nội chiến.
Tại Li-bi, Sotloff từng đi chung tàu với phiến quân, trà trộn vào nhóm những tù nhân trung thành với nhà lãnh đạo bị lật đổ M. Ca-đa-phi (Muammar al-Qaddafi). Cũng tại đây, anh từng viết về những thách thức ghê gớm nước này sẽ phải đối mặt trong thời kỳ hậu Ca-đa-phi, như một lời tiên tri cho tình hình hỗn loạn ở Li-bi hiện nay. Khi cuộc đảo chính chống lại Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi diễn ra vào tháng 7-2013, trong một bài viết cho World Affairs Journal, Sotloff đã đặt câu hỏi về những câu chuyện đã làm chia rẽ xã hội Ai Cập.
Nhà báo Steven Sotloff. |
Sotloff bắt đầu viết nhiều tác phẩm của mình bằng những câu chuyện cá nhân, hay rải rác những chi tiết đời thường vào phóng sự của mình, ví dụ như giá tiền chính xác của một chiếc bánh mì. Anh làm vậy để nhắc nhở độc giả rằng, chính các thế lực vô hình như cuộc nội chiến Syria và cuộc đảo chính quân sự của Ai Cập đã cơ bản thay đổi đời sống người dân, bằng nhiều cách khác nhau nhưng không kém phần nghiêm trọng.
Bạo lực sẽ dẫn tới thất bại
Theo các nhà phân tích, nếu là để gieo rắc nỗi sợ hãi và gia tăng áp lực cho người Mỹ bằng những vụ hành quyết James Foley hay Sotloff thì IS đã lầm. Sau khi đoạn video hành quyết Sotloff được tung ra, một số người trong Quốc hội Mỹ đã kêu gọi can thiệp quân sự nhiều hơn tại I-rắc. Cuộc thăm dò do Trung tâm nghiên cứu Pew tiến hành cũng thấy phản ứng tương tự đang hình thành trong công chúng Mỹ. Có thể thấy việc chặt đầu không mang tới thắng lợi chính trị mà là sự tức giận.
Trong khi đó, sự tàn bạo có cái giá của nó. Người dân địa phương và các tay súng thánh chiến khác đã dần kinh sợ trước tình trạng bạo lực mà các chiến binh ngoại quốc mang tới. “Họ giết người nhân danh Hồi giáo, nhưng Hồi giáo không phải vậy”-một chiến binh nói với Washington Post. Ban đầu anh này hoan nghênh sự giúp đỡ của các chiến binh nước ngoài, nhưng giờ thì khinh ghét họ. Anh nói rằng, các nạn nhân của những tay súng nước ngoài này thường là người vô tội và chính các chiến binh chống đối.
Hậu quả của việc gây bạo lực liên tục là điều mà trùm khủng bố quá cố Osama Bin Laden đã nhận ra. Ông này sợ rằng “những người anh em” Hồi giáo đã thực hiện quá nhiều hành vi bạo lực khó chấp nhận, qua đó khiến nhiều người chống lại Al Qaeda. “Hãy thu lấy bài học từ các sai lầm của họ”-Bin La-đen từng viết trong một lá thư trước khi bị giết-“(Bạo lực quá mức) có thể dẫn chúng ta tới vài trận thắng, nhưng cuối cùng sẽ làm chúng ta thua cả cuộc chiến”.
Vụ giết hại Sotloff, trước đó là James Foley đã làm dấy lên sự phẫn nộ đối với những hành động tàn bạo của các chiến binh IS.Janine di Giovanni, biên tập viên về Trung Đông của tạp chí Newsweek, người từng làm việc với Sotloff ở Syria, đã viết: "Chúng tôi không thể để IS chiến thắng bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi, ngăn cản công việc của chúng tôi". Còn gia đình Sotloff, trong buổi lễ tưởng nhớ anh được tổ chức tại nhà ở Floria, đã bày tỏ: "Chúng tôi sẽ không cho phép kẻ thù giam giữ chúng tôi làm con tin bằng vũ khí duy nhất mà chúng có-đó là sự sợ hãi".