Cuộc đoàn tụ đẫm nước mắt sau 32 năm con trai bị bắt cóc
Một người đàn ông bị bắt cóc khi mới chỉ 2 tuổi đã may mắn được gặp lại cha mẹ đẻ sau 32 năm lưu lạc.
Ngư dân Trung Quốc liều mình thu hoạch thứ 'hái ra tiền'
Được mệnh danh là một trong những công việc nguy hiểm nhất, song ngư dân Trung Quốc lại "hái ra tiền" nhờ thu hoạch hàu cổ ngỗng.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), anh Mao Yin khi mới 2 tuổi đã bị bắt cóc tại thành phố Tây An thuộc tỉnh Thiểm Tây vào năm 1988 và bị bán cho một gia đình khác làm con nuôi.
Cuộc đoàn tụ không ngờ sau 32 năm con trai bị bắt cóc. (Ảnh: SCMP) |
Sau đó, anh Mao được bố mẹ nuôi đổi tên thành Gu Ningning. Tuy nhiên, sau 32 năm thất lạc, anh Mao đã được tái ngộ với bố mẹ đẻ là ông Mao Zhenjing và bà Li Jingzhi hôm 18/5. Cuộc đoàn tụ được cảnh sát thành phố Tây An tổ chức và được phát trực tiếp trên CCTV.
Anh Mao hiện điều hành một doanh nghiệp chuyên trang trí nhà cửa. Hồi đầu tháng Năm, cảnh sát thành phố Tây An đã dùng công nghệ nhân diện khuôn mặt để phân tích bức ảnh cũ lúc còn nhỏ của anh Mao. Sau đó, để xác thực danh tính, anh Mao được làm xét nghiệm ADN.
Theo đoạn phim được CCTV phát, khi cảnh sát Trung Quốc thông báo với bà Li rằng người con trai từng bị mất tích của bà đã được tìm thấy, bà Li đã thốt lên rằng, “Đó là món quà tuyệt vời nhất đối với tôi trong Ngày của Mẹ”.
Tại cuộc họp báo, bố mẹ của anh Mao đã không thể kìm nén cảm xúc và bật khóc khi ôm con trai. Cầm tay con trai, bà Li nói, “Tôi không muốn phải lìa xa con trai mình thêm một lần nào nữa”.
Về phần mình, anh Mao cho biết anh sẽ sớm chuyển về sống cùng với bố mẹ đẻ của mình.
Anh Mao biến mất một cách bí ẩn vào năm 1988 khi có mặt gần khách sạn Jinling ở thành phố Tây An sau khi người cha để con lại một mình vài phút để đi lấy nước.
Bố mẹ của anh Mao đã dành 32 năm để tìm kiếm người con trai mất tích trên khắp lãnh thổ Trung Quốc. Thậm chí, bà Li đã đi phát hơn 100.000 tờ rơi với hy vọng có ngày tìm thấy con trai.
Kể từ năm 1999, bà Li đã xuất hiện trên nhiều chương trình truyền hình ở Trung Quốc để nói về thực trạng hàng ngàn đứa trẻ bị mất tích và bà hy vọng một ngày nào đó, con trai của mình sẽ xem được chương trình này.
Vào năm 2007, bà Li trở thành tình nguyện viên của tổ chức phi chính phủ có tên “Baby Come Home” (tạm dịch: Đứa con trở về) nhằm tìm kiếm những đứa trẻ bị mất tích và đã giúp hơn 20 gia đình tìm lại con của mình.
“Trong quãng thời gian tìm kiếm con trai hơn 20 năm, tôi hiểu được mức độ khó khăn của công việc này. Tôi tự hỏi liệu có ai đó có thể giúp con trai tôi tìm thấy gia đình của mình”, bà Li chia sẻ với SCMP hồi tháng 1/2020.
Trong quá trình tìm kiếm, bà Li từng tìm hiểu 300 trường hợp với hy vọng đó là con trai nhưng tất cả đều không đúng.
Cảnh sát thành phố Tây An cho biết hồi tháng Tư, họ phát hiện ra rằng con trai bà Li bị bán cho một gia đình hiếm muộn với giá 6.000 nhân dân tệ tương đương với 845 USD hiện thời. Tuy nhiên, thông tin về cặp vợ chồng nhận nuôi anh Mao không được công bố và cảnh sát vẫn đang điều tra về đường dây buôn bán trẻ em.
Còn theo CCTV, anh Mao lớn lên ở tỉnh Tứ Xuyên và từng học đại học trước khi điều hành công ty chuyên trang trí nhà cửa. .
Kể từ năm 2009, Bộ Công An Trung Quốc đã cho xây dựng cơ sở dữ liệu ADN để ngăn chặn tình trạng buôn bán người ở Trung Quốc. Theo giới chức Trung quốc, hơn 6.300 trẻ em bị bắt cóc đã được tìm thấy nhờ cơ sở dữ liệu ADN.
Minh Thu (lược dịch)