Cuộc di cư lớn từ đại lục của dệt may
Top Form International (đặt tại Hồng Kông) mới xây dựng một nhà máy ở ngoại ô Phnom Penh với kế hoạch vào cuối năm 2012, 1.200 công nhân sẽ sản xuất 80.000 áo ngực mỗi tháng để xuất đi Mỹ và châu Âu. Công suất này chiếm 1/3 sản lượng của Top Form.
Top Form, cung cấp hàng cho Vanity Fair, Warnaco Group và Wacoal, đã giảm sản lượng tại TQ từ 65% xuống còn 50% và dự kiến là khoảng 25% trong vài năm tới. Guess, nhà bán lẻ thời trang của Mỹ, giảm tỷ trọng hàng hóa châu Á có nguồn gốc từ TQ xuống còn 1/3 so với tỷ trọng 1/2 hiện nay trong vòng 18 tháng.
Top Form là một trong hàng trăm nhà sản xuất dệt may đã di chuyển cơ sở sản xuất ra ngoài TQ. Thay thế các nhà máy ở TQ là các nhà máy tại Campuchia, Việt Nam, Bangladesh hay Indonesia.
Theo Công ty Tư vấn Oxford Clothesource Limited (Anh), hàng dệt may xuất khẩu từ các nước này tăng từ 12% năm 2004 lên 17,3% trong năm 2010. Lợi thế lớn nhất của các trung tâm sản xuất dệt may mới hiện nay là vấn đề chi phí lao động.
Chẳng hạn, ở Campuchia, mức lương trung bình là 76USD cho 60 giờ lao động trong tuần. Trong khi công nhân tại Giang Tây có mức lương 280USD và tại Thâm Quyến là 460USD.
TQ vẫn đang chi phối ngành hàng may mặc. Nước này cung cấp gần một nửa hàng may mặc nhập khẩu của Liên minh Châu Âu và 41% của Mỹ. Theo Clothesource, năm 2010, TQ đã sản xuất 43,6% hàng dệt may mà Mỹ và châu Âu nhập khẩu.
Con số này đã giảm xuống 36,8% trong nửa đầu năm ngoái. Đồng nhân dân tệ mạnh hơn, các quy định khắt khe về môi trường, tiền lương tăng khiến các doanh nghiệp có nhà máy tại TQ ngày càng khó khăn hơn.
“Công nhân TQ đang đòi hỏi cao hơn bao giờ hết”, ông Willy Lin, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may của Hồng Kông, cho biết. Theo Liên đoàn Các ngành công nghiệp Hồng Kông, tiền lương tại TQ đã tăng trung bình 18 - 20% trong ba năm qua.
Mức lương này có thể khiến 1/3 trong tổng số 60.000 doanh nghiệp Hồng Kông trong lĩnh vực dệt may, điện tử và đồ chơi ở châu thổ Hoàng Hà, TQ sẽ phải đóng cửa hoặc di chuyển ra nước ngoài.
Trong khi đó, xuất khẩu từ 300 nhà máy dệt may của Campuchia đã lên đến 3,3 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm ngoái, tăng 35%. (Có thêm khoảng 2.000 - 3.000 nhà máy dệt thầu phụ cho các nhà máy được phép sản xuất).
“Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng và mạng lưới nhà cung cấp của TQ vẫn đánh bại Campuchia cũng như các nhà sản xuất khác trong khu vực. Tại Campuchia, tất cả mọi thứ đều được nhập khẩu, từ kim may cho đến sợi, rất nhiều nguyên liệu từ TQ”, ông David Tan Kok Ngan, Giám đốc Công ty Best Tan, nhà cung cấp quần jean và áo cho Zara và các thương hiệu khác, cho biết.
Còn theo ông Pablo Isla, Tổng giám đốc Công ty Inditex, đối với các đơn hàng lớn và nhanh khó có thể đánh bại được các nhà sản xuất TQ. Ngay cả Top Form cũng vẫn tiếp tục duy trì sản xuất các mặt hàng cao cấp tại các nhà máy ở TQ.
Một giải pháp để theo kịp TQ là liên kết các nhà sản xuất hàng dệt may ở Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lại để xây dựng một chuỗi cung khu vực. Nhiều nhà sản xuất ASEAN đang đẩy mạnh thành lập các liên minh.
Kiểu hợp tác này là bước đi quan trọng hướng tới một thị trường chung mà các nền kinh tế ASEAN đang đặt mục tiêu xây dựng vào năm 2015.
Theo Peter Hevicon, nhà mua hàng tại Hồng Kông cho hãng bán lẻ của Anh Debenhams, ngay cả các công ty TQ cũng đang bắt đầu thuê bên ngoài gia công các hàng may mặc cấp thấp ở Việt Nam và Campuchia.