Cục tóc nặng 3kg nằm trong bụng thiếu nữ và câu chuyện buồn phía sau
Các bác sĩ phẫu thuật đã loại bỏ được cục tóc nặng bằng một viên gạch nằm trong ổ bụng và ruột của một thiếu nữ. Bệnh nhân được xác định bị rối loạn tâm thần dẫn tới hành vi tự bứt tóc và ăn tóc của chính mình.
Vào đầu tuần này, tại một bệnh viện ở phía tây bắc Trung Quốc, các bác sĩ đã tiến hành ca phẫu thuật loại bỏ cục tóc nặng 3 kg nằm trong bụng và ruột của bệnh nhân (14 tuổi). Điều khiến dư luận Trung Quốc đặc biệt quan tâm là hoàn cảnh của bệnh nhi vốn là “trẻ bị bỏ lại phía sau”.
Thiếu nữ được giấu tên sinh sống ở thành phố Tây An thuộc tỉnh Thiểm Tây của Trung Quốc. Do có thói quen tự bứt tóc, nên đầu của cô gái đã gần như bị hói. Sau khi bứt tóc, cô bé lại nuốt chính tóc của mình vào bụng.
Theo White Dear Video, hành vi cực đoan của thiếu nữ này có thể là do đã mắc căn bệnh tâm lý mang tên hội chứng Pica.
Người điều trị cho bệnh nhi là ông Shi Hai, bác sĩ chuyên khoa dạ dày tại Bênh viện Xian Daxing cho hay ông bà là những người chịu trách nhiệm chăm sóc cho bệnh nhi kể từ khi bố mẹ cô bé rời quê đi làm ăn xa. Tuy nhiên, họ đã không phát hiện kịp thời căn bệnh lạ của người cháu, cho tới khi cô bé bị ốm mệt và không thể ăn được.
Sau hai tiếng phẫu thuật, các bác sĩ đã loại bỏ được toàn bộ số tóc nằm trong dạ dày và ruột của bé gái. Số tóc này cuộn thành một cục lớn và nặng 3 kg, tương đương một viên gạch.
“Cô bé được đưa tới viện do không thể ăn uống. Sau đó, chúng tôi phát hiện trong dạ dày bệnh nhân toàn là tóc và không còn chỗ để chứa thức ăn, ruột của bệnh nhi cũng đã bị tắc”, bác sĩ Shi cho hay.
“Bệnh nhi sống với ông bà, và họ đã không để ý tới hành vi lạ của cháu gái. Có thể cô bé đã mắc chứng bệnh tâm lý này trong suốt nhiều năm. Tôi hy vọng các bậc cha mẹ sẽ dành nhiều thời gian hơn cho những đứa trẻ bị bỏ lại phía sau”, bác sĩ Shi nói.
Thuật ngữ “trẻ em bị bỏ lại phía sau” được dùng để chỉ những đứa trẻ ở nông thôn sống trong các gia đình có bố/mẹ, hoặc cả hai người đều rời nhà để lên các thành phố lớn làm việc kiếm sống, trong khi con cái bị bỏ lại ở quê nhà để ông bà hoặc họ hàng chăm sóc hộ.
Theo số liệu thống kê chính thức của Bộ Giáo dục Trung Quốc vào năm 2020, tổng số học sinh tham gia 9 năm học bắt buộc ở nước này trong độ tuổi từ 6 – 15 có gần 13 triệu “trẻ bị bỏ lại phía sau”.
Tuy nhiên, theo các nghiên cứu độc lập, Trung Quốc có khoảng 70 triệu hộ gia đình có một hoặc cả hai vợ chồng đi làm ăn xa, và 31 triệu hộ là cả hai vợ chồng đều rời quê lên thành phố làm lao động di cư. Đa số những đứa “trẻ bị bỏ lại phía sau" sinh sống ở các miền quê nghèo khó tại Trung Quốc.
Hội chứng Pica mà dân gian gọi là chứng ăn bậy. Người mắc bệnh thèm hoặc ăn những thứ phi thực phẩm hay các chất không chứa nhiều dinh dưỡng như tóc, băng tuyết, đất hoặc thậm chí các chất hóa học. Đây là chứng rối loạn ăn uống thường gặp nhất ở trẻ mắc chứng tự kỷ. Ở những người mắc chứng tự kỷ, hội chứng Pica thường gặp hơn ở những người bị khuyết tật trí tuệ so với những người có trí tuệ ở mức trung bình hoặc trên trung bình.
Pica thường phát triển ở những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, nhưng không phải tất cả những người mắc bệnh Pica đều có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Pica cũng phổ biến hơn ở trẻ em và phụ nữ mang thai.
Các trường hợp trẻ em mắc hội chứng Pica đã nhiều lần được truyền thông Trung Quốc đưa tin trong những năm gần đây.
Như vào đầu tuần trước, một đài truyền hình địa phương cho hay các bác sĩ ở tỉnh Hồ Bắc đã loại bỏ một cục tóc khổng lồ trong dạ dày bé gái (14 tuổi). Bệnh nhi đã ăn tóc của chính mình trong hơn 10 năm qua.
Nhân viên an ninh sân bay bị 'sốc' khi phát hiện thứ này trong vali của hành khách
Video người đàn ông thuê xe nâng vứt chiếc ô tô ‘vô duyên’ chiếm chỗ đỗ xuống sông
Minh Thu (lược dịch)