Cổng và cổng chào
Cổng làng cổ Đường Lâm |
Khi xưa, lúc các làng còn sơ khai, những cái cổng làng được dựng lên đầu làng, nơi bắt đầu con đường lát gạch cheo dẫn vào làng, như là ranh giới của làng, nơi đặt điểm canh để các làng canh trộm, canh đạo tặc,... Cổng các toà thành cũng là nơi dân tình trong thành đi ra ngoài và ngăn những kẻ xâm nhập.
Ở nhiều nước, những cái cổng hoành tráng được dựng lên, như Khải hoàn môn ở Paris, là để đánh dấu chiến thắng của một vị quân vương nào đó.
Nhưng nếu thế, chúng ta nên hiểu thế nào về những cái cổng chào mọc lên hai đầu đường quốc lộ chạy qua những phố huyện nghèo? Chúng ta nên hiểu thế nào về những cái cổng được xây vắt qua đường, ở dưới treo lủng lẳng cái biển hộp chạy chữ, nay chào mừng cái này, mai chào mừng cái nọ, hết ngày lễ chuyển sang chào mừng Tết...
Chúng ta nên hiểu thế nào khi những cơ quan công quyền dùng tiền ngân sách để đầu tư vào những cái cổng ra vào đầy tính doạ dẫm và xa hoa, xa lánh khỏi người dân, ngăn cách với cuộc sống hàng ngày, chưa kể cái cổng ấy năm thì mười hoạ mới mở ra đón cấp trên, quanh năm cả cơ quan chỉ đi theo cổng ngách.
Tôi vẫn nhớ cảm giác khi lần về quê nhìn thấy hàng rào cơ quan Đảng bằng hoa sắt thấp ngày nào nhìn vào vườn hoa đã được phá đi, xây nên một hàng rào xây chĩnh chện, một cái cổng to hơn cổng thành dạo trước chềnh ềnh, đóng chặt, hoa văn thếp vàng như muốn đối chọi với cái cổng to không kém, hàng rào oách không kém bên kia đường.
(Hình ảnh chỉ mang tính minh họa) |
Chúng ta làm như thế để làm gì?
Những cái cổng chào dọc quốc lộ ấy dựng nên để làm gì?
Những cái cổng cơ quan hoành tráng dựng nên để làm gì?
Hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đã được chi ra để xây dựng những công trình phải được nói thẳng ra, là vô bổ và lãng phí.
Có lẽ cũng đã đến lúc phải nhìn ngăn phong trào xây cổng to với cổng chào hoành tráng ấy lại, trước khi chúng được dựng lên ào ạt...