Công nhận huyện Lâm Thao (Phú Thọ) đạt chuẩn nông thôn mới
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Phú Thọ có trách nhiệm công bố theo quy định và khen thưởng theo Quyết định số 1620/QĐ-TTg ngày 20/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua "cả nước chung sức xây dựng NTM".
Huyện Lâm Thao nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Phú Thọ, có diện tích tự nhiên gần 9.754 ha, dân số hơn 102.400 người. Trên địa bàn huyện có 14 đơn vị hành chính, bao gồm 12 xã và 02 thị trấn.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM, thời gian qua, huyện Lâm Thao đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò làm chủ của người dân, tranh thủ sự giúp đỡ kịp thời của Trung ương, của tỉnh đã tạo sự thay đổi tích cực trên vùng quê giàu truyền thống văn hóa. Sau 5 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến nay Lâm Thao là huyện đầu tiên của tỉnh đủ điều kiện đạt chuẩn huyện NTM.
Lâm Thao có xã Sơn Dương được chọn là một trong ba xã của tỉnh thực hiện thí điểm xây dựng NTM nên có nhiều kinh nghiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Công tác tuyên truyền vận động được triển khai tích cực, đồng bộ, hiệu quả đã tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân trong toàn huyện về thực hiện xây dựng NTM. Diện mạo nông thôn từng bước thay đổi; đời sống vật chất, tinh thần cuản gười dân được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt trên 32 triệu đồng/người/năm, tăng 1,5 lần; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn dưới 3,57%, giảm 3,72% so với năm 2010.
Mặc dù vậy, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Lâm Thao cón có một số khó khăn nhất định: quy hoạch phát triển sản xuất mới chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, chưa tạo được số lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao; việc dồn đổi ruộng đất gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nguồn vốn phân bổ hàng năm từ ngân sách TW thấp, nguồn ngân sách tỉnh hạn chế, việc huy động sức dân để đầu tư các công trình còn gặp khó khăn…
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của TW và của UBND tỉnh, huyện Lâm Thao đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện chương trình. Huyện đã tập trung chỉ đạo xây dựng và hoàn thành đề án quy hoạch của 12 xã. Đồng thời lựa chọn lộ trình cho từng xã; lựa chọn danh mục dự án, chương trình để ưu tiên bố trí vốn tập trung đầu tư, đảm bảo hoàn thành các tiêu chí đồng bộ, đạt chuẩn theo quy định.
Phát triển sản xuất là mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân. Thời gian qua, huyện Lâm Thao đã tập trung chỉ đạo ứng dụng tiến bộ KHKT, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp và liên kết 4 nhà. Theo khảo sát, đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp của Lâm Thao đạt khoảng 65%, trong đó khâu làm đất, vận chuyển đạt 100%, khâu gieo cấy đạt khoảng 20%, khâu thu hoạch đạt 40%.; tỷ lệ lúa lai, lúa chất lượng cao trên địa bàn đạt gần 70%, năng suất lúa bình quân cả năm đạt 61 tạ/ha, tăng 6 tạ/ha so với năm 2010. Bên cạnh đó, huyện đã quy hoạch 5 điểm sản xuất lúa tập trung tại 12 xã, trong đó có 2 vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao tại Cao Xá và Vĩnh Lại, quy mô 100ha/vùng; 01 vùng sản xuất ngô giống, quy mô 80 ha ở xã Kinh Kệ; 03 vùng sản xuất rau an toàn, quy mô 20 ha , tập trung tại các xã: Cao Xá, Tứ Xã, Vĩnh Lại, Bản Nguyên; 420 ha nuôi trồng thủy sản tập trung ở Tứ Xã, Sơn Vi, Vĩnh Lại; có 39 trang trại đạt tiêu chuẩn của Bộ NN&PTNT cùng hơn 300 hộ chăn nuôi tổng hợp kết hợp nuôi trồng thủy sản cho giá trị kinh tế cao; 6 làng nghề... Bên cạnh đó huyện cũng tập trung thu hút đầu tư các dự án vào cụm công nghiệp của huyện và cụm làng nghề thủ công mỹ nghệ Sơn Vi nhằm giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho người dân. Những thay đổi tích cực trong tổ chức sản xuất đưa Lâm Thao là huyện đầu tiên của tỉnh có giá trị sản xuất bình quân đạt 120 triệu đồng/ha/năm.
Xác định việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là vấn đề quan trọng, đảm bảo có sự thống nhất về nhận thức, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, do vậy, huyện Lâm Thao đã có sự thống nhất trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, lựa chọn nhóm công trình, dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn xã hội hóa để đầu tư. Trong 5 năm, toàn huyện đã huy động được trên 5.200 tỷ đòng, trong đó nguồn ngân sách nhà nước chiếm tỷ lệ 6,4%; vốn doanh nghiệp chiếm 25,8%; vốn đầu tư và đóng góp của nhân dân chiếm 25,2%, còn lại là vốn HTX, doanh nghiệp và vốn vay. Từ các nguồn vốn trên, huyện đã đầu tư xây dựng, cứng hóa được trên 570 km đường giao thông, góp phần đưa tỷ lệ cứng hóa đường giao thông của huyện đạt cao. Đường trục xã, liên xã tỷ lệ cứng hóa đạt 100%; đường trục thôn, xóm đạt 92%; đường ngõ, xóm đạt 98%. Bên cạnh đó, đã cứng hóa được gần 130 km kênh mương chính; cải tạo, nâng cấp gần 35 km điện trung thế, gần 110 km điện hạ thế; xây mới 19 trạm biến áp, dung lượng 7.650 Kv.A. Các công trình trường học, trạm y tế, chợ nông thôn được đầu tư xây dựng theo hướng chuẩn hóa. Hết năm 2015, trên địa bàn huyện có 49/53 trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 92,4%; 100% trạm y tế xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế cơ sở, giai đoạn 2011-2020…
Cùng với các công trình phúc lợi và dân sinh được cải thiện, công trình nhà ở dân cư ở các địa phương - một trong những tiêu chí chủ chốt của Bộ tiêu chuẩn NTM, cũng không ngừng được nâng cấp. Đã có tổng số gần 1.000 căn nhà được xây mới với tổng kinh phí là trên 464 tỷ đồng, đưa số hộ có nhà đạt chuẩn của Bộ xây dựng đạt con số 97%. Trên địa bàn toàn huyện hiện không còn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát. Đây thực sự là kết quả tích cực rất đáng ghi nhận của Lâm Thao, bởi ngay cả các địa bàn đô thị cũng chưa chắc đã đạt được. Với hàng loạt những công trình được đầu tư nâng cấp và xây mới, bộ mặt nông thôn Lâm Thao đã mang một diện mạo đổi mới hoàn toàn. Đã xuất hiện ngày càng nhiều những khu phố trong làng ở tất cả các địa phương trong huyện. Những dịch vụ sinh hoạt như điện, nước sạch đều được đáp ứng đầy đủ. Đặc biệt tình trạng mất vệ sinh môi trường cơ bản được giải quyết. Đến nay cả 14 xã và thị trấn của huyện Lâm Thao đều đã tiến hành quy trình xử lý phân loại và thu gom rác thải theo đúng quy trình, trả lại cho môi trường làng xã sự trong trẻo yên bình tưởng như đã vĩnh viễn mất đi bởi tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước mặt rất khó khắc phục của những năm trước.
Đi đôi với tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, việc phát triển văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của người dân được Đảng bộ, chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở quan tâm thực hiện. Trên 93% số gia đình được công nhận gia đình văn hóa; 68% khu dân cư đạt tiêu chuẩn văn hóa các cấp; 100% khu dân cư có nhà văn hóa cùng hàng trăm sân vận động, sân chơi, bãi tập, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Từ phong trào xây dựng nông thôn mới đã hình thành bộ máy tổ chức hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn, bám sát thực tiễn và cơ bản đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, từ đó khơi dậy được nguồn lực đáng kể cho xây dựng nông thôn mới. Đa số người dân và các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội tham gia vào các phong trào, điển hình như: Hội phụ nữ với phong trào “5 không, 3 sạch”; hội CCB với phong trào “Ánh sáng quê tôi”; hội Nông dân với phong trào “Nhà sạch, vườn xanh”; Đoàn thanh niên thực hiện và duy trì có hiệu quả phong trào “Nhà văn hóa xanh-sạch-đẹp” và mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, qua đó tạo động lực mạnh mẽ trong việc thực hiện phong trào “Toàn dân chung tay, chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”.
Mục tiêu của Lâm Thao thời gian tới là nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được để việc chuẩn hóa diện mạo nông nghiệp nông thôn của huyện thực sự là bước đột phá mang tính bền vững.