Công nghiệp chế biến chế tạo là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế ở Yên Bái
Chiều ngày 22/12/2022, tại Hà Nội, đã diễn phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chủ trì phiên họp.
Quyết định số 1421/QĐ-TTg ngày 17/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nêu rõ mục tiêu phấn đấu: Đến năm 2030, Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc với lâm nghiệp, nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại có năng suất và chất lượng cao, kết hợp với công nghiệp chế biến, du lịch; là tỉnh hình mẫu về phát triển lâm nghiệp của cả nước, điển hình về giảm nghèo bền vững với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; bảo đảm môi trường bền vững; bảo tồn và phát huy hiệu quả bản sắc dân tộc, nét đẹp văn hóa các dân tộc; bảo đảm vững chắc về quốc phòng, an ninh và đối ngoại, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết, Yên Bái xác định công tác lập quy hoạch tỉnh là nhiệm vụ quan trọng. Căn cứ Luật Quy hoạch, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP của Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Yên Bái đã tổ chức triển khai các bước lập quy hoạch bảo đảm quy định.
Hồ sơ quy hoạch tỉnh có 3 nội dung chính: Quy hoạch chung (gồm 15 phần), 24 phương án phát triển các ngành, lĩnh vực và 9 phương án phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện.
Để duy trì động lực tăng trưởng và tìm kiếm các giải pháp phát triển tỉnh Yên Bái trong giai đoạn sắp tới, báo cáo Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra quan điểm phát triển là: Xây dựng, phát triển Yên Bái nhanh và bền vững; Tạo tăng trưởng trên cơ sở tiềm năng, lợi thế, ứng dụng khoa học công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Phát triển kinh tế hài hòa với các mục tiêu xã hội; Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và hiệu quả sử dụng tài nguyên; Phát triển hài hòa các khu vực kinh tế và loại hình doanh nghiệp, đưa kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế; Hình thành năng lực sản xuất mới gắn với hình thành các chuỗi giá trị; các cụm liên kết ngành; Gắn kết phát triển kinh tế xã hội với xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố quốc phòng an ninh và đối ngoại; tăng cường mở rộng hội nhập quốc tế.
Quy hoạch xác định 4 trụ cột tăng trưởng kinh tế, gồm: Công nghiệp chế biến chế tạo; du lịch; kinh tế dịch vụ; nông lâm nghiệp. Trong đó, trụ cột công nghiệp chế biến chế tạo được xác định là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế.
Theo kịch bản tăng trưởng nhanh của tỉnh Yên Bái, tốc độ tăng trưởng GRDP thời kỳ 2021 - 2030 đạt bình quân 8,5%/năm. Về cơ cấu kinh tế đến năm 2030, tỷ trọng khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trong GRDP chiếm 14,8%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 39,0%; khu vực dịch vụ chiếm 41,5%. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 125 triệu đồng/người (tương đương khoảng 4.400 USD/người). Nhu cầu vốn đầu tư phát triển cần huy động khoảng 280 nghìn tỷ đồng.
Để đạt được các mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo kịch bản đã xác định, Yên Bái sẽ hình thành 2 trung tâm động lực tăng trưởng (TP. Yên Bái và phụ cận; thị xã Nghĩa Lộ và phụ cận); 3 vùng kinh tế (vùng kinh tế trung tâm; vùng kinh tế phía Đông; vùng kinh tế phía Tây...
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá cao Yên Bái là một trong những tỉnh đã sớm nỗ lực, tập trung xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị tỉnh Yên Bái chỉ đạo cơ quan chủ trì lập quy hoạch và các cơ quan liên quan nghiên cứu hoàn thiện lại hồ sơ quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo các ý kiến góp ý trước khi trình cấp có thẩm quyền.
Ngọc Mai