Công an ập vào bar bắt bóng cười, một phụ nữ khoe có bằng luật thách thức, hô bật nhạc để khách tiếp tục 'phê'
Rạng sáng 15/8, Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Hoàn Kiếm kiểm tra quán bar 80 Mã Mây, phát hiện khách trong quán đang sử dụng “bóng cười”. Một phụ nữ tên D. đã lao ra chửi bới, ngang nhiên chống đối, thách thức lực lượng
Bất chấp lực lượng chức năng, mặc nhiên chống đối
Trong 3 ngày từ 12-14/8, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã kiểm tra, phát hiện, thu giữ hơn 10 bình khí cười và lập biên bản, xử lý 9 cơ sở vi phạm.
Tiếp đó, rạng sáng 15/8, Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Hoàn Kiếm kiểm tra quán bar có địa chỉ tại số 80 phố Mã Mây, phường Hàng Buồm, phát hiện khách trong quán đang sử dụng “bóng cười”.
Tại đây, lực lượng chức năng cũng bắt quả tang nhân viên của quán đang bơm “bóng cười” cho khách và thu giữ một bình khí cỡ lớn loại 50 - 55kg. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng phát hiện nhiều vỏ bóng trong các hốc tường.
Sau khi thu giữ các tang vật có liên quan, tổ công tác yêu cầu chủ quán tắt nhạc, xuất trình các giấy tờ có liên quan. Thời điểm này (khoảng 0h20 ngày 15/8), quán khá đông khách và đều được yêu cầu thanh toán rồi rời khỏi quán bar.
Tuy nhiên, trong quá trình lực lượng chức năng kiểm tra, xử lí, một phụ nữ tên D. đã lao vào chửi bới, ngang nhiên chống đối, thách thức lực lượng Công an.
Người này "khoe" bằng tài chính, bằng luật sư và cho rằng bản thân rất hiểu biết về pháp luật. Không chỉ thế, người phụ nữ lớn tuổi này quát con cái và nhân viên, yêu cầu bật nhạc ầm ĩ dù đã quá giờ quy định.
Song, khi lực lượng chức năng yêu cầu xuất trình giấy phép đăng ký kinh doanh đến 2h sáng, quản lí của quán không xuất trình được giấy phép.
Khách hàng sử dụng bóng cười tại 80 phố Mã Mây. (Ảnh: Công an cung cấp) |
Khi lực lượng Công an yêu cầu dừng ngay hoạt động của quán vào thời điểm này, người phụ nữ kia tiếp tục thách thức bằng cách vào trong quán mời khách nâng ly, bất chấp tổ công tác đang làm nhiệm vụ.
Thiếu tá Phạm Mạnh Hà, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, các cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí như bar, cà phê nhạc mạnh pub… đều có rất nhiều biện pháp chống đối.
“Khi chúng tôi kiểm tra, phát hiện nhiều cơ sở sử dụng các hộ nhà dân làm nơi chứa bình N2O hoặc sử dụng phòng kín, có khóa để chứa bình “khí cười”, sau đó dùng ống dẫn khí N2O ra ngoài để bơm vào vỏ “bóng cười” bán cho khách.
Để đối phó với việc kiểm tra của cơ quan công an, các đối tượng còn cho người cảnh giới ở bên ngoài. Khi có đoàn kiểm tra đến sẽ gọi điện thoại thông báo vào trong quán để chủ hoặc quản lý quán chủ động đóng cửa, ngừng kinh doanh…”, Thiếu tá Phạm Mạnh Hà thông tin.
Lợi nhuận từ “bóng cười” có thể coi là khổng lồ, trong khi đó, mức xử phạt dù đã khá cao nhưng có lẽ không thấm vào đâu so với những gì mà các cơ sở kinh doanh này thu được.
Chính vì vậy, Thiếu tá Phạm Mạnh Hà nêu thực trạng các cơ sở kinh doanh vừa bị xử lý hôm trước, hôm sau lại phát hiện tiếp tục kinh doanh “bóng cười” của một số quán bar là thực trạng rất nhức nhối, chưa có biện pháp xử lý triệt để.
“Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng có thể xem xét đưa “bóng cười” vào danh mục chất cấm, hoặc phải có điều kiện cụ thể làm cơ sở xử lý, hay tăng mức xử phạt cao hơn gấp nhiều lần nữa thì mới thể tạo sức răn đe”, Thiếu tá Phạm Mạnh Hà nêu vấn đề.
Chủ quán chống đối phải xử phạt ra sao?
TS. Ls Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng, pháp luật Việt Nam khuyến khích mọi tổ chức cá nhân tổ chức các hoạt động kinh doanh để phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân và đóng góp tiền thuế vào ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh phải tuân thủ quy định pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Theo quy định của pháp luật thì các hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước, phải hoạt động theo giờ, đảm bảo điều kiện về vật chất kĩ thuật, an toàn phòng cháy chữa cháy và đảm bảo an ninh trật tự.
Các hoạt động kinh doanh trái phép, vi phạm điều kiện kinh doanh, gây mất an ninh trật tự, đặc biệt là các hoạt động kinh doanh nhạy cảm như quán karaoke, vũ trường... Mà có vi phạm thì cần phải xem xét xử lý nghiêm minh, kịp thời để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Luật sư Cường cũng nhấn mạnh, điều đặc biệt trong vụ việc này là khi cơ quan chức năng kiểm tra thì đã có hành vi chống đối, không chấp hành yêu cầu của lực lượng chức năng (phụ nữ tên D. quán bar số 80 phố Mã Mây).
Cơ quan chức năng sẽ ghi hình, ghi âm, có người làm chứng để chứng kiến sự việc không chấp hành đấy để đánh giá hành vi này đã được xác định là chống người thi hành công vụ hay chưa, đánh giá hậu quả của hành vi này đã gây ra đối với xã hội và với người thi hành công vụ để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Cơ quan chức năng sẽ làm rõ hoạt động kinh doanh của pháp nhân và hành vi vi phạm của cá nhân nếu có để xử lý theo quy định của pháp luật.
“Với hành vi cản trở lực lượng chức năng thi hành công vụ, hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi vi phạm pháp luật, tùy thuộc vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể sẽ bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Đặng Văn Cường nêu.
Theo quy định của pháp luật thì cơ quan chức năng có quyền kiểm tra hành chính, có quyền xử lý các vi phạm của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh những lĩnh vực ngành nghề nhạy cảm trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Nếu người quản lý doanh nghiệp hoặc những người có liên quan cho rằng việc xử lý không đúng pháp luật thì tổ chức cá nhân có liên quan có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật nhưng trong quá trình lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra, thực hiện các thủ tục hành chính thì các chủ thể này vẫn phải chấp hành. trường hợp cơ quan chức năng có hành vi hành chính hoặc quyết định hành chính không đúng pháp luật thì họ phải chịu trách nhiệm đối với các quyết định này, nếu có thiệt hại sẽ phải bồi thường thiệt hại.
Bởi vậy, trong quá trình cơ quan chức năng kiểm tra hành chính mà có hành vi không chấp hành yêu cầu, mệnh lệnh của cơ quan chức năng thì đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người chống đối, cản trở lực lượng thi hành công vụ sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Phạt tiền từ 01 - 04 triệu đồng đối với hành vi môi giới, giúp sức cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
- Phạt tiền từ 04 - 06 triệu đồng đối với một trong những hành vi:
+ Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật;
+ Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;
+ Tổ chức, xúi giục, giúp sức, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
Trường hợp hành vi chống người thi hành công vụ dẫn đến hoạt động thi hành công vụ không thể thực hiện được, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ theo quy định của bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
N. Huyền