Con trai lớp 3 nhà tiến sĩ viết văn tả 'mùi của mẹ' khiến nhiều người thích thú
Theo chị Thu, trường học của bé Bon (con trai lớp 3 của chị) có những đề viết văn rất dễ thương như: “Em hãy miêu tả mẹ em bằng 1 trong 5 giác quan”. Sau đây là cách bé Bon chọn miêu tả mẹ bằng mùi:
“Mỗi khi được mẹ ôm, em lại ngửi thấy mùi thơm đặc biệt. Em thấy mùi đó không giống mùi vani, socola hay mùi nước hoa. Mỗi buổi tối em về lại được mẹ ôm vào lòng và lại ngửi thấy. Mỗi khi buồn em lại ngửi thấy mùi đó và cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Em rất yêu thích mùi đó. Em đã giữ bí mật đó đến hôm nay mới nói ra cho mẹ. Mẹ em rất vui và bất ngờ vì điều đó. Tối nay em ra ôm mẹ và thì thầm với mẹ em rằng mùi của mẹ là mùi tình yêu”.
Ngay dưới bài đăng của chị Thu, rất nhiều độc giả thích thú giọng văn dễ thương và tình yêu mẹ thể hiện qua từng câu chữ của bé Bon.
Chia sẻ với VietNamNet về cách nuôi dưỡng đứa trẻ tự tin và chủ động, chị Thu cho hay, thực tế nhiều cha mẹ than thở họ không muốn lúc nào cũng la mắng, nhưng trẻ không tự giác, đành phải nhắc cho nhớ. Nhắc nhiều quá phản tác dụng, khiến trẻ “nhờn”.
Từ kinh nghiệm của mình, chị Thu cho biết: “Mỗi khi Bon không nhớ hoặc làm sai thứ tự các việc, tôi thường đặt câu hỏi để con suy nghĩ. Đặt câu hỏi thay vì nhắc nhở ngay giúp trẻ suy nghĩ và nhớ lâu hơn những việc cần làm.
Mỗi khi về nhà, câu đầu tiên hai mẹ con tôi nói là: “Xin chào ngôi nhà thân yêu. Tớ đã về đây!” Sau đó tôi xếp giày đúng nơi quy định và hỏi Bon: “Tiếp theo mình làm gì con nhỉ?” Bon sẽ nhớ ngay ra: “Phải cất giày!”.
Dần dần, con quen nếp, không cần mẹ hỏi nữa. Tuy nhiên, thi thoảng con mải chơi, vẫn vứt giày lung tung. Khi ấy, tôi lại hỏi: “Ơ Bon ơi, hôm nay, đôi giày này chưa được cất gọn thì phải?”. Bon chạy đi cất liền.
Chuyện đánh răng rửa mặt cũng thế. Thay vì nhắc Bon, tôi gợi ý: “Tỉnh dậy xong mình làm gì cho sảng khoái nhỉ?”. “Mình sẽ đi vệ sinh và đánh răng rửa mặt ạ”. Muốn Bon dọn đồ chơi, tôi hỏi: “Đến giờ ăn cơm rồi, mình làm gì Bon nhỉ?”, chứ không ép con cất đồ chơi.
Cho con đi xe đạp ra công viên, tôi hỏi: “Đến trước ngã tư mình phải làm gì?”. “Sang đường chỗ này có được không nhỉ?” để con nhớ những quy tắc khi tham gia giao thông. Khi con nhớ và thực hiện tốt các quy tắc, mẹ không cần nhắc nữa”.
Ngoài ra, chị Thu cũng chú trọng cho con một khung thời khoá biểu với những công việc cần làm.
“Để không phải nhắc nhở Bon, mình chụp ảnh rồi dán lên tường những việc cần làm để con nhìn vào đó. Nhờ có hình ảnh ấy nhắc giúp nên có nhiều việc mình không cần nói quá nhiều với con”, chị Thu nói.
Theo chị Thu, với những trẻ lớn, cha mẹ có thể cho trẻ tự lên kế hoạch. Những trẻ đã đi học tiểu học có thời khoá biểu rõ ràng cho việc học, bố mẹ có thể cùng con xây dựng thời khoá biểu lịch làm việc nhà, đi kèm với chiếc đồng hồ bấm giờ trong thời gian đầu con bắt đầu thực hiện.
Ngoài ra, cũng theo chị Thu, để đứa trẻ tự giác, tự chủ, tự tin, bố mẹ cần có cách ứng xử khác nhau khi con ở những độ tuổi khác nhau. Tất nhiên, để sau này đứa trẻ tự chủ, tự giác rất cần cha mẹ xây dựng thói quen nền móng từ những năm tháng đầu đời.
Ở giai đoạn 0-6 tuổi: Để trẻ tự giác làm những việc mình không cần phải nhắc nữa sẽ mất thời gian rất lâu, thậm chí cả vài năm. Vì thế điều quan trọng bố mẹ cần kiên trì đồng hành cùng con trong những thói quen này.
Ở giai đoạn tiểu học trở lên: Những học sinh tự tin, chủ động là những em không bao giờ bị cha mẹ thúc giục “Con học bài đi”, các bạn ấy chỉ cần bố mẹ “follow”, sát cánh bên con, ủng hộ khi con cần, còn về cơ bản con sẽ được tự mình suy nghĩ, tự mình quyết định. Sự tự tin được hình thành từ những trải nghiệm tự mình suy nghĩ và hành động.
Đứa trẻ sẽ không tự tin từ những trải nghiệm do bố mẹ lập trình ra hoặc do làm theo điều bố mẹ sắp đặt.
Hoàng Thanh