Còn nhiều quy định mâu thuẫn, ràng buộc các trường đại học khi tự chủ
GS.TS Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân. |
Chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện đề án tự chủ đại học, GS.TS Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân (KTQD) cho hay: “Nghị quyết của Chính phủ về thực hiện xã hội hóa trong đơn vị sự nghiệp công lập, giao thí điểm quyền tự chủ cho các trường ĐH, giao thí điểm cho 24 trường thực hiện thí điểm tự chủ về các hoạt động chuyên môn, tài chính và cơ sở vật chất, tự chủ một phần chi phí thường xuyên và kinh tế đầu tư là chủ trương rất đúng đắn.
Bộ GD&ĐT đã tổng kết và rút ra các bài học kinh nghiệm, trong khi chờ đợi Nghị định về tự chủ ĐH được ban hành, Chính phủ đã có Nghị quyết nói rõ các trường đang thực hiện đề án tự chủ sẽ tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ cho đến khi Nghị định được ban hành.
Như vậy đã tạo ra hành lang pháp lý vững chắc cho 24 trường đang thực hiện đề án tự chủ trong đó có trường ĐH Kinh tế Quốc dân tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ trong thời gian vừa qua”.
GS.TS Trần Thọ Đạt cũng cho biết thêm: Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã thực hiện tự chủ trong 3 năm qua theo đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm tự chủ nhưng trên thực tế thì việc tự chủ chi phí chi thường xuyên của trường thì đã thực hiện từ 10 năm nay (từ năm 2008).
Chúng tôi khẳng định rằng mô hình tự chủ của trường ĐH Kinh tế quốc dân thực hiện trong thời gian qua là mô hình thành công mang lại sức sống mới, giai đoạn phát triển mới của trường.
Cụ thể, về việc tổ chức bộ máy, tự chủ này không phải tự chủ cho ban giám hiệu, cho hội đồng trường mà là tự chủ cho cán bộ giáo viên. Nhà trường đã chủ động trong tinh giản biên chế, chủ động đi đầu trong mở ngành.
Năm nay nhà trường chủ động mở 2 ngành mới là công nghệ tài chính và kinh doanh, thu hút sự quan tâm của nhiều người, phát triển hợp tác quốc tế cũng như phát triển xã hội hóa.
Chỉ số xếp hạng web của các trường ĐH, trường ĐH Kinh tế Quốc dân nằm trong top 10 trường ĐH, sánh vai với các trường đa ngành đa lĩnh vực, đó là minh chứng rõ cho sự thành công của mô hình tự chủ đại học.
Về tự chủ tuyển sinh: Bắt đầu 2015, trường ĐH Kinh tế Quốc dân thực hiện nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT là phối hợp với các Sở GD&ĐT Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Tĩnh trong công tác coi thi THPT quốc gia. Về cơ bản chúng tôi sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh.
Hiện nay 3 trường ĐH được Chính phủ giao tự chủ mức độ cao: ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Bách khoa HN, ĐH Kinh tế TP.HCM, hiện chúng tôi đang ở giai đoạn cuối cùng để thực hiện đề án thí điểm tự chủ.
Thời gian qua trong quá trình thực hiện đề án tự chủ, nhà trường luôn nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp…
Đặc biệt là sự quyết tâm, đoàn kết, nỗ lực vượt qua thách thức của tập thể cán bộ, viên chức và của cả các sinh viên, học viên, người học các hệ của nhà trường, cùng đồng hành trong quá trình thí điểm. Với cơ chế tự chủ, nhà trường đã chủ động trong việc huy động và phân bổ các nguồn lực cho các hoạt động đào tạo và phát triển nhà trường cũng như khuyến khích các sinh viên học tập thông qua các chương trình cấp học bổng khuyến khích học tập, học bổng hỗ trợ cho sinh viên nghèo vượt khó.
Tuy nhiên hiện nay khó nhất với các trường thực hiện đề án tự chủ trong giai đoạn vừa qua là văn bản không nhất quán, nhiều nội dung về tự chủ nhưng lại phải tuân theo quy định hiện hành.
Đã gọi là thí điểm tự chủ ở mức độ thì phải khác quy định hiện hành nhưng hiện nay vẫn còn khá nhiều nội dung ở yêu cầu tuân theo quy định hiện hành như quy định về luật đầu tư công, chi tiêu công… hiện nay rất ràng buộc các trường trong qua trình thực hiện tự chủ.
Thách thức lớn nhất đặt ra đối với nhà trường hiện tại là trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế mạnh mẽ, đang tạo ra sức ép phải đổi mới giáo dục đại học nói chung, và đặt trường ĐH KTQD nói riêng, trước nguy cơ tụt hậu so với chính mình.
Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi cả xã hội đang chuyển mình hướng đến mục tiêu cá nhân khởi nghiệp và quốc gia khởi nghiệp, các trường đại học cần đổi mới như thế nào để bắt nhịp và đồng hành cùng sự phát triển chung của cả hệ thống là một câu hỏi có tính chiến lược.