Còn ít mẫu tem thể hiện chủ đề Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3
Chủ đề Giỗ Tổ Hùng Vương ít được nhắc đến trên tem bưu chính. Tính đến nay, mới chỉ có 2 bộ tem bưu chính về chủ đề này, đó là bộ tem "Lăng Hùng Vương" phát hành năm 1960 và bộ tem “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” phát hành năm 2015
Bộ tem Lăng Hùng Vương là bộ tem bưu chính đầu tiên trong lịch sử tem bưu chính cách mạng Việt Nam có chủ đề Giỗ Tổ Hùng Vương. Bộ tem này do cố họa sĩ Bùi Trang Chước thiết kế, gồm 2 mẫu, kích thước 29 x 38 mm, có tổng giá mặt tem là 4 đồng 12 xu, được in offset hai màu và phát hành ngày 5/4/1960. Các mẫu của bộ tem tập trung giới thiệu phong cảnh của lăng Hùng Vương thuộc khu di tích Đền Hùng (Phú Thọ), địa danh gắn liền với truyền thuyết về 18 đời vua Hùng xây dựng nước Văn Lang.
Bộ tem thứ hai là “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, được phát hành năm 2015, thể hiện sinh động hơn về những hoạt động nghi thức liên quan tới lễ hội đền Hùng, Giỗ Tổ Hùng Vương. Bộ tem gồm 3 mẫu tem và 1 bloc, do họa sỹ Võ Lương Nhi và Vũ Kim Liên thiết kế. Các mẫu tem thể hiện hình ảnh cổng vào Đền Hùng cùng đàn con Lạc cháu Hồng về dâng Lễ; hình ảnh các trưởng lão thực hiện nghi lễ tế Vua Hùng; hình ảnh bánh chưng, bánh dày và cộng đồng các dân tộc Việt Nam đang chuẩn bị lễ vật dâng lên Vua Hùng. Bloc tem là hình ảnh đền Thượng và cổng đền Hùng tại TP.HCM cùng đoàn người đại diện cho cộng đồng các dân tộc Việt Nam, hướng về ngày giỗ Tổ.
Dù chỉ có vỏn vẹn 2 bộ tem có chủ đề Giỗ Tổ Hùng Vương, song giới sưu tập tem bưu chính lại có khá nhiều mẫu tem có nội dung liên quan tới thời đại Hùng Vương.
Đáng chú ý như bộ tem “Truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ” do họa sĩ Hoàng Thúy Liệu thiết kế, gồm 6 mẫu tem kích thước 27 x 37 mm, tổng giá mặt là 19.300 đồng, được phát hành nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2000. Các mẫu của bộ tem này giới thiệu 7 phân đoạn, nội dung cốt lõi trong truyền thuyết về cội nguồn dân tộc Việt Nam, gồm: Lạc Long Quân kết duyên cùng Âu Cơ; Mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trǎm trứng, nở thành trǎm người con; Mẹ Âu Cơ dẫn 50 người con lên rừng; Cha Lạc Long Quân dẫn 50 người con xuống biển; Con trưởng là Hùng Vương được lên ngôi; Các dân tộc Việt Nam đều là con Rồng cháu Tiên.
Trước đó, Bưu chính Việt Nam đã giới thiệu tới đông đảo người yêu tem trong và ngoài nước 3 bộ tem liên quan đến thời đại Hùng Vương. Đó là bộ “Đồ đồng thời đại Hùng Vương” gồm 7 mẫu và 1 blốc tem, có tổng giá mặt 30 đồng, do họa sĩ Nguyễn Hiệp thiết kế, phát hành năm 1986; Bộ “Sơn Tinh, Thủy Tinh (Truyền thuyết thời Hùng Vương)” gồm 8 mẫu tem được in liên hoàn theo hàng ngang, tổng giá mặt là 24 đồng, do họa sĩ Lê Toàn thiết kế, phát hành năm 1987; Bộ “Thánh Gióng (Truyền thuyết thời Hùng Vương)” gồm 5 mẫu tem, tổng giá mặt là 750 đồng, được thiết kế bởi họa sĩ Trần Thế Vinh, phát hành năm 1989.
Cả 3 bộ tem này đều được in ở nước ngoài. Trong đó, 2 bộ tem “Đồ đồng thời đại Hùng Vương”, “Thánh Gióng (Truyền thuyết thời Hùng Vương)” được in tại Liên Xô; còn bộ tem “Sơn Tinh, Thủy Tinh (Truyền thuyết thời Hùng Vương)” được in tại Hungary.
Đáng chú ý, truyền thống đoàn kết, gắn bó như anh em một nhà của dân tộc Việt Nam, những người cùng sinh ra từ “bọc trăm trứng” của mẹ Âu Cơ còn được thể hiện rõ nét trong bộ tem “Cộng đồng các dân tộc Việt Nam” phát hành ngày 30/8/2005.
Bộ tem này được ghi vào sách kỷ lục Việt Nam là bộ tem lớn nhất (54 mẫu), có số họa sĩ thiết kế đông nhất (22 họa sĩ) và thời gian triển khai lâu nhất (gần 1 năm). 54 mẫu tem được in thành một tờ tem (7 tem x 8 hàng), trong đó các mẫu tem được sắp xếp theo bảng chữ cái tên gọi của các dân tộc và 2 vi nhét mang hình ảnh Quốc kỳ, trống đồng Đông Sơn và các dòng chữ: “60 năm thành lập nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1946 - 2/9/2005)”, “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một (Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh)”.