Con đột ngột 'điếc', bố mẹ cần nghĩ ngay tới bệnh mà trẻ nào cũng từng bị
Trẻ viêm tai giữa nếu không được điều trị dứt điểm có nguy cơ biến chứng viêm màng não, áp xe não…
Có con 1 tuổi, chị Thu Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) rất lo lắng vì bé liên tục bị viêm tai giữa tái phát. Lần đầu tiên bé con sốt đùng đùng rồi khóc ngằn ngặt.
“Bé chưa biết nói nên lần ấy cả nhà đều hoảng vội vàng đưa con đi cấp cứu. Đến nơi các bác sĩ thấy tai con đã bị viêm ứ mủ”, chị Hương cho hay.
Sau đó, cứ vài tháng con lại tái phát. Lần gần nhất, bé chỉ om om sốt nhưng bố mẹ gọi gì thì cứ “vờ” như không nghe thấy, ti vi bật rất to…”Cho con đi khám, bác sĩ nói đó là do ảnh hưởng từ viêm tai giữa. Liệu tình trạng này có kéo dài hay không?. Chỉ sợ con điếc thì tội quá”, chị Hương lo ngại kể.
PGS. TS Phạm Thị Bích Đào, BV ĐH Y Hà Nội cho biết, viêm tai giữa là một bệnh thường gặp ở trẻ, với tình trạng nhiễm trùng tai gây ra đau tai, sốt, và rối loạn thính lực.
Viêm tai giữa thường xảy ra sau khi nhiệt độ giảm trẻ bị cảm lạnh. Dịch có thể ứ ở trong tai, phía sau màng nhĩ. Dịch này có thể bị nhiễm khuẩn và lan vào màng nhĩ gây ra phồng màng nhĩ và các triệu chứng khác.
Các bậc phụ huynh không nên chủ quan với căn bệnh viêm tai giữa ở trẻ (ảnh minh hoạ) |
Đáng lưu ý, PGS. TS Phạm Thị Bích Đào, nhấn mạnh, một số trẻ, dịch trong tai có thể tồn tại vài tuần đến vài tháng sau đợt đau tai dù nhiễm trùng đã hết. Dịch tai có thể gây ra tình trạng mất hoặc giảm thính lực nhẹ và tạm thời. Nếu mất thính lực kéo dài sẽ dẫn tới các vấn đề ngôn ngữ, lời nói, gây ảnh hưởng tới việc tập nói, phát âm, học tập của trẻ.
Do đó, trẻ bị viêm tai giữa nếu không được chữa trị kịp thời, dứt điểm sẽ gây ra những biến chứng rất nguy hiểm. Trước hết là thủng màng nhĩ, xơ nhĩ, thậm chí có trường hợp sẽ gây tê liệt mặt, tê liệt dây thần kinh, viêm tai xương chũm.
Nghiêm trọng hơn là các biến chứng nội sọ như viêm màng não, áp xe não…nếu trẻ bị viêm tai giữa mà không được chữa trị dứt điểm.
Bs Phí Xuân Thi, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện sản nhi Quảng Ninh cho biết, trẻ bị viêm tai giữa thừng có những triệu chứng rất đặc trưng. Với trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ bị viêm tai giữa thưởng bị sốt, đau hoặc khó chịu trong tai, ôm tai, chảy dịch- mủ ở tai.
Nhiều trẻ gặp tình huống giảm thính lực, trẻ không nghe được, hoặc phải nghe với âm thanh lớn,... Hầu hết trẻ bị viêm tai giữa thường quấy khóc, ít vận động, ít chơi hơn bình thường, chán ăn, ăn kém đôi khi kèm nôn, hoặc đi ngoài phân lỏng. Ở trẻ lớn, các triệu chứng thường bao gồm đau tai, hoặc mất thính lực tạm thời.
Nguyên nhân là do ở trẻ em, hệ miễn dịch vẫn chưa phát triển hoàn thiện và dễ bị tấn công bởi vi khuẩn, vi rút bên ngoài mà các bệnh viêm nhiễm rất khó tránh khỏi. Vậy nên các bậc cha mẹ nên lưu ý các dấu hiệu thay đổi thất thường của cơ thể trẻ và tìm hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.
BS Xuân Thi cũng lưu ý, các bậc phụ huynh nên cho trẻ khám lại sau 1-2 tháng bị viêm tai giữa, đặc biệt với trẻ dưới 2 tuổi, hoặc trẻ có các vấn đề về ngôn ngữ hoặc học tập. Bác sĩ sẽ kiểm tra tai xem còn dịch trong tai đôi khi trẻ cần làm các bài kiểm tra về thính lực.
Nếu còn dịch trong tai, gây mất thính giác và không biến mất sau vài tháng, bác sĩ có thể đề nghị điều trị để giúp thoát dịch, đó là phẫu thuật đặt ống thông tai vào màng nhĩ.
Sau khi điều trị khỏi bệnh, các bậc phụ huynh nên thực hiện các biện pháp sau để ngăn ngừa bệnh tái phát: Rửa tay thường xuyên để ngăn ngừa vi khuẩn; Không dùng chung dụng cụ ăn uống, luôn có bát và thìa riêng của trẻ.
Khi ho hoặc hắt hơi nên lấy tay che miệng. Không cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc. Luôn giữ ấm mùa lạnh, vệ sinh tai – mũi – họng thường xuyên. Khi viêm mũi hoặc viêm xoang thì nên hạn chế bơi lội, tránh để nước lọt vào tai. Không cho trẻ tiếp xúc với những người mắc các bệnh về đường hô hấp.
Đặc biệt các bậc phụ huynh cần vệ sinh tai và mũi thường xuyên bằng nước muối sinh lý, rửa 2 -3 lần/ngày.
N. Huyền
Thiếu nữ 19 tuổi có khối u quái chứa đầy lông, tóc, xương
Khoa Ngoại Theo yêu cầu - Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội vừa cho xuất viện bệnh nhân nữ trẻ tuổi mắc u quái hiếm gặp ở trung thất sau khi được phẫu thuật thành công.