Con đòi chia nhà đất, đẩy cha vào viện dưỡng lão, cha già phẫn uất đòi tiền nuôi dưỡng
Biết ông Nam mắc bệnh nặng khó qua khỏi, mặc dù ông còn minh mẫn nhưng các con ông kéo về nhà đòi phân chia tài sản và “đẩy bố” vào viện dưỡng lão.
Chia sẻ với phóng viên, luật sư Đỗ Thành Lâm (Hà Nội) cho biết ông và các cộng sự đang hỗ trợ pháp lý, giúp ông Lý Hoài Nam (75 tuổi, ở Hà Nội) giải quyết một vấn đề khá nan giải.
Cách đây 2 tháng, ông đi viện thì được bác sĩ chẩn đoán là có khối u ở thực quản và đã chuyển sang giai đoạn cuối (ông Nam giấu bệnh không cho ai biết), hiện tại chỉ có thể uống thuốc để duy trì và thời gian còn lại không nhiều, bác sĩ cho biết ông chỉ có thể cầm cự khoảng 6 tháng đến 01 năm nữa.
Vợ ông là bà Nguyễn Ngọc Huyền qua đời đã 10 năm và không để lại di chúc. Từ khi vợ mất, ông Nam luôn sống một mình trong ngôi nhà 60m2 ở Hà Nội. Mảnh đất và ngôi nhà ông đang ở có nguồn gốc từ đời ông bà, các cụ để lại, có giấy tờ rõ ràng, là nơi thờ tự và chứng kiến bao thăng trầm của cuộc sống gia đình.
Giữa lúc ông đang hoang mang về bệnh tật, không biết các con ông Nam (2 trai và 1 gái) nghe tin từ đâu bỗng rủ nhau kéo về yêu cầu ông phân chia tài sản gồm mảnh đất và căn nhà mà ông đang ở với lý do đây là tài sản chung của ông Nam và bà Huyền nên phải chia.
Do bà Huyền không để lại di chúc nên các con ông Nam muốn bán căn nhà đó rồi đưa ông Nam đến viện dưỡng lão. Các con ông viện lý do ai cũng có gia đình riêng, lại ở xa và không tiện chăm sóc bố. Không dừng lại ở đó, hiện tại các con ông Nam đã nộp đơn khởi kiện đến tòa án để yêu cầu phân chia phần tài sản của bà Huyền theo quy định của pháp luật.
Ông Nam tìm đến văn phòng luật sư Hoàng Thanh Lâm đang làm việc để được tư vấn. Trước sự tráo trở của các cơn, ông muốn các con phải trả tiền ông đã nuôi dưỡng, trả các khoản tiền mà những người con của ông đã vay mượn trước đó (ông Nam cho con vay không làm giấy tờ); ông cũng không muốn phân chia di sản thừa kế trong lúc này.
Ông chỉ muốn sau khi ông qua đời thì các con tự phân chia; hoặc ông có để lại di chúc thì các con phải tuân theo ý nguyện của ông. Nếu các con không trả lại được tiền công nuôi dưỡng thì phải trở về căn nhà đó sinh sống cho đến khi ông qua đời.
Chính vì không bên nào chịu nhường nhịn, không thấu hiểu suy nghĩ của nhau nên dẫn đến tình trạng bố con, anh em đối đầu, kiện nhau ra tòa.
Theo luật sư Lâm, tranh chấp về vấn đề thừa kế hiện nay đã rất phổ biến. Tuy nhiên, "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh", người làm cha làm mẹ vất vả cả đời để nuôi đàn con trưởng thành, dựng vợ gả chồng thì có mấy ai tính toán đến việc sau này các con phải trả ơn bằng tiền.
"Có lẽ, điều quan trọng nhất mà họ muốn chỉ đơn giản là được ở bên người thân thiết nhất của mình, được trở lại những ngày vui vẻ quây quần bên nhau. Không phải lúc nào phân rõ thắng – thua mới giải quyết được vấn đề. Trong dân sự, hài hòa mới là điều đáng trân trọng nhất", luật sư bày tỏ quan điểm.
Tân Trường