Con cãi “Học để làm gì?”, bố mẹ có con học giỏi phản ứng thế nào?
Làm sao để con hiểu học hành là tốt cho con?
Không ít trẻ nhỏ khi vừa rời môi trường mầm non để sang tiểu học luôn đặt ra câu hỏi rằng: “Tại sao con phải đi học?”. Một phần vì cha mẹ đã bắt con em mình dành thời gian cho việc học quá nhiều mà gạt bỏ nhu cầu được chơi và phát triển những kĩ năng khác của con. Thế nhưng, suy cho cùng, việc ba mẹ đầu tư môi trường giáo dục tốt nhất cho con cũng chỉ vì muốn con được phát triển tốt nhất mà thôi.
Vậy, ngoài việc cân đối thời gian sinh hoạt của con, làm thế nào để con cái hiểu được ý của cha mẹ? Cha mẹ nên trả lời câu hỏi trên của con như thế nào? Sau đây là một vài câu trả lời vô cùng hiệu quả mà cha mẹ có thể học hỏi từ gợi ý của các ông bố, bà mẹ có con học giỏi:
"Mẹ muốn con học thành tài để sau này con không cần phải nhìn giá cả khi đặt cơm. Khi con có nhu cầu đi đâu đều có thể lựa chọn cho mình phương tiện di chuyển tốt nhất. Con có thể chọn cho mình một resort 5 sao thay vì một căn nhà “ngàn sao”. Hơn nữa, sau này khi cha mẹ về già, cha mẹ có thể yên tâm rằng con đang sống tốt mà yên tâm tận hưởng tuổi già.
Nhưng dù sao đi nữa, điều quan trọng nhất là ở bản thân con. Con có thể chọn ngành nghề yêu thích thay vì chọn ngành con không hề muốn làm, chỉ vì lương. Không phải đây là mục đích học tập quá chính đáng hay sao, con trai?”.
Sau khi nghe lời mẹ dạy, cậu con trai vui vẻ trả lời mẹ: “Con phải học hành chăm chỉ, học hỏi nhiều hơn nữa và làm việc chăm chỉ để mẹ có thể sống một cuộc đời hạnh phúc nhất”.
Cha mẹ cũng có thể áp dụng câu trả lời vô cùng xúc động của nhà văn Long Ứng Đài - một lời khuyên vô cùng ý nghĩa khiến cậu con trai bà bật khóc và hứa sẽ chăm ngoan hơn:
"Mẹ yêu cầu con học tập chăm chỉ không phải chỉ mong muốn con sẽ thành công hơn những người khác, mà vì hy vọng con có nhiều lựa chọn hơn trong tương lai, tìm được công việc ý nghĩa, đúng với ước mơ mà không cần phải bắt buộc làm những việc nặng nhọc, nguy hiểm.
Nếu con giỏi thì con sẽ có nhiều cơ hội, nắm quyền quyết định điều con muốn. Ngược lại, con không đủ khả năng thì hãy chấp nhận cuộc đời mình bị người khác điều khiển số phận. Con muốn sở hữu thứ mà người khác không chạm tới, thì phải chấp nhận trả giá cho những nỗ lực mà người khác không thể, không có mục tiêu con sẽ không bao giờ có được hạnh phúc"
Ngoài ra, nhà văn cũng gửi lời nhắn nhủ đến các bậc phụ huynh: “Phụ huynh phải cho con biết rằng bất kỳ con đường nào đi đến một thành công, nhất định luôn đi kèm với những khúc quanh đầy khó khăn. Nếu con muốn có thành tích học tập tốt, con phải học tập thật chăm chỉ. Đây là trách nhiệm của mọi đứa trẻ trên thế giới chứ không riêng mình con. Hãy để con cái biết rằng, ở mỗi giai đoạn của cuộc đời thì luôn có những nhiệm vụ khác nhau. Sự hạnh phúc sẽ được thể hiện qua kết quả học tập. Khi bản thân đạt được kết quả xuất sắc thì niềm vui học tập sẽ lớn dần trong suy nghĩ.”
Những đứa trẻ đều là những tờ giấy trắng. Chúng dẫu có bướng bỉnh đến đâu nhưng nếu được sự bảo ban và kiên nhẫn của cha mẹ, cũng sẽ đều thay đổi. Trẻ mới lớn có thể chịu những áp lực khi đến trường, từ bài vở, thầy cô, đến bạn bè, và nảy sinh ra tính phản kháng, không muốn đến trường.
Lúc này, phản ứng của cha mẹ là quan trọng nhất. Hãy xem đâu là nguyên nhân dẫn đến thái độ này của trẻ. Liệu cách cha mẹ đầu tư giáo dục cho con đã đúng chưa? Môi trường ở trường của con có xảy ra vấn đề gì hay không? Hãy là một người bạn thực sự bên cạnh con, giúp con nâng cao thái độ và phương pháp học tập. Từ đó, nhận thức học tập của con sẽ dần được cải thiện tích cực.
Theo phunuvietnam.vn