Trẻ 6 tuổi cấp cứu vì mệt mỏi, chỉ số đường huyết cận kề 'cửa tử'
Bé trai N.D. T (SN 2016, trú tại phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) nhập viện với biểu hiện uống nhiều nước, thèm nước ngọt, tiểu nhiều lần trong ngày, sụt cân, mệt mỏi, đau họng.
Các bác sĩ thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng phát hiện trẻ có biểu hiện lơ mơ, thở nhanh sâu, dấu hiệu mất nước nặng, chỉ số test đường máu nhanh của bé tăng rất cao (28,8 mmol/L) so với ngưỡng bình thường.
Với chỉ số đường huyết này nguy cơ tử vong do toan ceton rất lớn.
Các bác sĩ đã hội chẩn chuyên khoa Nhi chẩn đoán bệnh lý toan ceton do đái tháo đường, viêm amydal cấp mủ. Bệnh nhi được điều trị cấp cứu tích cực bằng bù dịch, nhịn ăn, kiểm soát đường huyết bằng duy trì insulin, kháng sinh, cân bằng điện giải.
Sau gần 2 ngày điều trị tích cực, trẻ thoát nguy cơ biến chứng đe dọa tính mạng, sức khỏe dần hồi phục.
Bác sĩ Trần Văn San - Phó Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Nhiễm toan ceton do tiểu đường bao gồm các rối loạn sinh hóa nguy hiểm là tăng glucose máu, nhiễm ceton, nhiễm toan kèm theo các rối loạn điện giải.
Trẻ nhỏ khi bị nhiễm toan ceton do đái tháo đường có thể biến chứng nguy hiểm như hôn mê, phù não, shock giảm thể tích do mất nước, thậm chí tử vong, cần phải được điều trị tích cực, kịp thời bằng truyền dịch, insulin và điều chỉnh các rối loạn điện giải cùng các yếu tố nguy cơ”.
Theo nghiên cứu của Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế (IDF), tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường ở Việt Nam đang trẻ hơn mức trung bình trên thế giới và tăng gấp đôi trong 10 năm qua.
Trong nhiều trường hợp, trẻ em mắc bệnh týp I đã không được chẩn đoán cho mãi đến khi trẻ mắc biến chứng và trong một vài trường hợp nguy kịch, sự trì hoãn trong chẩn đoán có thể nhận lấy cái chết.
TS BS Nguyễn Trọng Hưng – Viện dinh dưỡng Quốc gia cho biết bệnh đái tháo đường ở trẻ em có hai tuyp I và tuyp II. Tuyp 1 xảy ra khi tuyến tụy không có khả năng sản xuất đủ insulin.
Đái tháo đường tuyp II, mặc dù ít phổ biến ở trẻ em còn nhỏ tuổi, nhưng bệnh cũng phát triển khi tuyến tụy sản sinh không đủ lượng insulin hoặc nó không hoạt động thích hợp. Kết quả là, glucose có thể tăng cao trong máu.
Còn đái tháo đường type II ở trẻ em đều đi liền với chứng thừa cân, béo phì, do lối sống thiếu cân bằng và chứng ăn uống thiếu điều độ gây nên. Một phần nguyên nhân nữa là do nhận thức của phụ huynh không lường trước được những nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường ở trẻ.
Theo BS Hưng các triệu chứng phổ biến nhất ở đái tháo đường ở trẻ em như trẻ khát nước và tiểu tiện, mệt mỏi và sụt giảm cân nặng. Một số trẻ em rơi vào tình trạng đói và mờ mắt.
Việc chẩn đoán đái tháo đường sẽ trải qua những giai đoạn như thực hiện xét nghiệm nước tiểu (tìm glucose và ceton), xét nghiệm máu (đánh giá lượng đường huyết).
Nếu nước tiểu không chứa glucose, glucose chỉ có thể tràn vào nước tiểu khi lượng đường trong máu cao. Trường hợp bạn vẫn nghi ngờ, có thể làm thêm một xét nghiệm máu nữa gọi là xét nghiệm dung nạp glucose.
Nếu xác định trẻ bị đái tháo đường cần tiến hành ngay các phương pháp điều trị phù hợp. Đái tháo đường nếu chẩn đoán muộn có thể khiến trẻ bị nhiễm toan ceton, đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em mắc bệnh tiểu đường tuyp I.
Đái tháo đường tuyp I không thể phòng ngừa nhưng đái tháo đường tuyp II ở trẻ em hoàn toàn phòng ngừa được bằng cách thay đổi lối sống, ăn uống khoa học.
TS Hưng cho biết cha mẹ nên tạo cho con thói quen ăn uống lành mạnh, hạn chế các thực phẩm ăn sẵn, thực phẩm giàu calo. Dù là trẻ em nhưng việc tập luyện vận động mỗi ngày cũng rất quan trọng.
Với trẻ thừa cân béo phì, cha mẹ nên có kế hoạch giảm cân cho con để đưa trẻ về cân nặng hợp lý.
K.Chi