Có thể cho vay lãi suất ưu đãi mua nhà ở xã hội từ năm 2018
Tại phiên trả lời chất vấn các ĐBQH sáng 17/11, Thống đốc NHNN xác nhận gói tín dụng cho nhà ở xã hội (NOXH) cho đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy.
Trả lời câu hỏi của ĐBQH về việc 2 năm qua chính sách tín dụng cho nhà ở xã hội vẫn nằm trên giấy, khi nào chính sách cho vay vốn ưu đãi NOXH mới thành hiện thực. Thống đốc Lê Minh Hưng nói:
“NHNN đã chỉ đạo 4 NHTM cho vay NOXH tuy nhiên việc cho vay cho đến nay vẫn chưa thực hiện được do ngân sách còn gặp nhiều khó khăn. Theo kế hoạch đầu tư trung hạn vốn NSNN năm 2016 – 2020, mới chỉ có NHCSXH đc bố trí 1.062 tỷ đồng cho vay NOXH, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp. Các NHTM vẫn chưa được bố trí nguồn vốn để bù chênh lệch lãi suất”.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, NHNN đã có văn bản yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư ứng trước 500 tỷ đồng và chỉ đạo NHCSXH bố trí vốn 500 tỷ đồng để đến năm 2018 có thể thực hiện cho vay NOXH. Thống đốc Lê Minh Hưng bày tỏ mong muốn Bộ KH&ĐT thực hiện bố trí vốn để NHCSXH có nguồn vốn cho vay đối với tín dụng cho NOXH.
Về cho vay đối với ngư dân bám biển, Thống đốc cho biết, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 613, NHNN đã chỉ đạo các NHTM trên địa bàn 28 tỉnh thành phố ven biển tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng phục vụ đánh bắt hải sản xa bờ theo chỉ đạo của Chính phủ cho đến hết ngày 31/12/2017. Liên quan đến việc điều chỉnh Nghị định 67, Chính phủ đã Bộ NN&PTNT sửa đổi Nghị định 67 để ban hành trong quý 4/2017.
Trước đề xuất của các ĐBQH về nâng mức vay, kéo dài thời hạn trả nợ đối với các học sinh, sinh viên, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, sau hơn 10 năm thực hiện chương trình cho vay với học sinh sinh viên, đã có 3,5 triệu HS-SV được vay vốn đi học với tổng dư nợ gần 15.600 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% tổng dư nợ của các khoảng tín dụng chính sách. Doanh số cho vay từ trước đến nay đạt gần 60.000 tỷ. Về đề xuất nâng mức cho vay mà ĐB nêu, Thống đốc cho biết, kể từ khi thực hiện năm 2007 đến nay đã có 7 lần điều chỉnh. Tại lần điều chỉnh gần đây nhất là 15-6-2017, mức vay được nâng lên là 1,5 triệu đồng/tháng.
Thống đốc cũng thừa nhận, mức vay này chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, học tập của các học sinh, sinh viên. "Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu và phối hợp với các bộ ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc nâng mức cho vay lên cao hơn, tuỳ theo điều kiện của ngân sách trong thời gian tới" - Thống đốc Lê Minh Hưng nêu. Về đề xuất kéo dài thời hạn trả nợ, Thống đốc cho rằng, theo quy định hiện nay, với một sinh viên học đại học 4 năm được vay vốn thì thời hạn trả nợ, cả gia hạn là trong 7 năm kể từ khi tốt nghiệp đã tương đối dài để các em khắc phục khó khăn, hoàn trả được khoản vay.
Theo đánh giá của NHNN, trong thời gian vừa qua có nhiều mục tiêu và đôi khi các mục tiêu đấy cùng một lúc khó thực hiện. Nhưng trên thực tế, nhờ sự phối hợp, kết hợp rất chặt chẽ giữa các bộ, ngành, đặc biệt giữa Ngân hàng nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và một số Bộ, ngành trong điều hành chính sách vĩ mô, kinh tế Việt Nam đã dần đi vào ổn định, kiểm soát được lạm phát, kinh tế vĩ mô ổn định, giá trị đồng Việt Nam cũng được giữ ổn định, hoạt động của các tổ chức tín dụng đã an toàn hơn.
“Chúng tôi cho rằng công tác điều hành chính sách tiền tệ để đạt được mục tiêu phải đặt trong tổng thể chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ với mục tiêu xuyên suốt là ổn định vĩ mô và vẫn phải hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý,” Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết. “Dựa trên những kết quả đạt được trong thời gian qua, tới đây, các bộ, ngành sẽ phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác hoạch định và thực thi các chính sách điều hành của mình”.